Nhiều mẹ khá lạ lẫm khi nghe nói về nanh sữa. Chỉ đến khi tới bác sĩ khám mới biết con mình có nanh sữa và mẹ còn rất lo lắng khi bác sĩ nhổ nanh cho con: lo bé quấy khóc nhiều; lo liệu nhổ nanh sữa ảnh hưởng đến sức khỏe của bé…
Nanh sữa có từ đâu?
Mấy hôm trước, Bum quấy khóc ghê quá, ăn uống kém mà cứ đạp quầy quậy. Mẹ đưa Bum đi khám và bác sĩ phát hiện ra có một cái nanh sữa khá to ở hàm trên. Ra nha sĩ thì họ lấy được thêm một cái nhỏ nữa. Lúc nhổ nanh, Bum khóc to. Về nhà, Bum cũng bú được một ít rồi đi ngủ, cũng không ngon giấc lắm. Mấy ngày sau đó, Bum vẫn khó chịu làm mẹ sốt cả ruột. Mẹ phải hỏi kinh nghiệm những người đang nuôi con nhỏ, rồi đọc sách tìm hiểu về nanh sữa để giúp bé thoát khỏi giai đoạn khó chịu.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai), nanh sữa thường gặp ở bé từ 0 - 3 tháng tuổi. Có trường hợp bé sinh ra đã có nanh sữa nhưng cũng có trường hợp nanh sữa xuất hiện vài tuần sau sinh. Nhiều cha mẹ lo lắng khi thấy con mọc nanh sữa bởi không phải bé nào cũng mọc nanh sữa. Nanh sữa là đốm nhỏ màu trắng trên lợi của bé, thực chất chỉ là một tổn thương lành tính, phần lớn tự tiêu sau khoảng 2 tuần đến 5 tháng tuổi. Tuy lành tính nhưng nếu bé mọc nanh quấy khóc, cha mẹ cần nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa.
Cũng theo bác sĩ Dũng, răng sữa của bé thường mọc lúc 5 - 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, mầm răng đã được hình thành trong xương từ lúc bé vẫn còn trong bụng mẹ và trong quá trình hình thành mầm răng, một số thành phần tế bào tham gia tạo răng đáng lẽ phải tiêu biến nhưng nếu còn sót lại sẽ có thể tạo thành nanh.
Chỉ nhể khi cần thiết!
Y tá Nguyễn Thị Mến, khoa Nhi (bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội) cũng cho biết, đa số trường hợp nanh sữa không gây đau đớn hay khó chịu gì nhiều cho bé. Tuy nhiên, cũng có bé quấy khóc hoặc bỏ bú, những trường hợp này là do nanh sữa bị nhiễm khuẩn gây sưng, đau khi chạm phải.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo: Cha mẹ có thể tự phát hiện nanh sữa ở bé bằng cách dùng tay sạch sờ và nhìn thấy một hay nhiều nốt màu trắng hoặc vàng nhạt ở ngay dưới bề mặt niêm mạc lợi của bé. Khi đã phát hiện nanh sữa, nên đưa bé đi khám. Việc xử lý nanh sữa hết sức đơn giản nhưng cần sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bé vẫn ăn ngủ tốt, cha mẹ chỉ cần vệ sinh răng miệng cho bé, nanh sẽ tự biến mất sau 1 - 2 tuần. Nếu có dấu hiệu nanh nhiễm khuẩn gây đau, bé khó chịu, bỏ bú, quấy khóc, cha mẹ cần đưa bé đi khám nha sĩ để nhể nanh. Việc nhể nanh sữa chỉ giúp nanh nhanh tiêu biến chứ không có tác dụng phòng tái phát. Sau khi nhể nanh, cha mẹ nên theo dõi và vệ sinh răng miệng tốt cho bé.
Gia Huy