Chị Kim Anh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) vừa sinh con đầu lòng được gần 2 tháng. Do thiếu kinh nghiệm, lại ở xa cha mẹ nên chị thường cảm thấy lúng túng trong việc canh giờ, cữ bú và cách cho bé bú.
Theo các bác sĩ nhi khoa, sức khoẻ của bé bú sữa mẹ có phần vượt trội hơn hẳn so với bé được nuôi bằng các loại sữa khác. Bên cạnh việc cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, mẹ cũng cần tìm hiểu thêm những kiến thức trong khi cho bé bú, vì đây là điều cần thiết giúp bé bú ngon hơn.
Nhiều mẹ quan niệm nên vắt bỏ phần sữa đầu, vì nó thường có màu trong, có cảm giác bị “loãng”, nhưng sữa đầu lại dồi dào nguồn nước, vitamin A, chất khoáng, đường và đạm, vì thế, khi được kết hợp với nguồn năng lượng (chất béo) từ sữa cuối sẽ giúp bé tăng trưởng một cách toàn diện hơn.
Đối với bé sơ sinh, mẹ nên cho bé bú khoảng 7 lần/ngày và cho bú theo yêu cầu, có nghĩa là cho bú khi bé đói, không theo một giờ giấc nhất định, nhưng không có nghĩa là mẹ phải chiều theo tính khí của bé, vì mỗi bé có nhịp thời gian ngủ khác nhau. Mẹ cần nắm rõ điều này để phân định thời gian bú phù hợp cho bé. Mẹ cũng không nên bắt bé phải đợi chờ để được bú khi bé đã khóc đòi bú. Nếu để bé khóc nhiều, bé sẽ mệt đến độ chẳng thèm bú nữa và sau đó, mẹ phải dỗ dành bé mới chịu bú. Tuy nhiên, mẹ cần tránh đánh thức bé đang ngủ dậy để cho bú vì điều này vô tình làm mất giấc ngủ của bé, dẫn đến bé dễ bị căng thẳng. Hơn nữa, bị đánh thức như thế bé chỉ bú trong trạng thái mơ màng.
Đa phần khi bú đủ, bé sẽ tự nhả vú mẹ và ngủ say từ 2 - 3 giờ đồng hồ, đi tiểu trên 6 lần/ngày. Bé bú đúng cách sẽ điều hòa lượng sữa xuống nhiều. Với những bé tỏ ra sợ, bỏ vú mẹ khi sữa xuống nhiều có nghĩa là bé có tư thế bú sai, vì thế, mẹ cần điều chỉnh sao cho bé ngậm được gần hết quầng vú mẹ. Ngoài ra, khi chuẩn bị mọc răng, bé rất khó chịu. Vì thế, mẹ cần dành thời gian cho bú nhiều hơn để bé phần nào quên đi nỗi bứt rứt này.
Sữa mẹ không hề chứa vi trùng để có thể truyền trực tiếp từ mẹ sang bé. Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp bé chống lại những vi khuẩn hoặc siêu vi gây bệnh về đường ruột và hô hấp trên. Nếu mẹ mắc bệnh đường hô hấp, viêm họng hoặc cảm cúm,… khi cho bé bú, mẹ cần đeo khẩu trang hoặc vắt sữa ra rồi cho bé uống. Ngoài ra, khi đầu vú mẹ bị bé cắn rách nghiêm trọng, nếu chỉ gây đau đớn nhẹ vẫn có thể tiếp tục cho bé bú, nhưng nếu bị mưng mủ hoặc phải cắt bỏ dẫn lưu vì viêm nhiễm tuyến sữa thì không nên cho bé bú nữa.
Thạch Thảo