Bình thường ở bé dưới 2-3 tháng, sau khi ăn có thể bị trớ ra một chút sữa do bé bú quá no, bú quá nhiều hơi hoặc do dạ dày của bé còn nằm ngang. Khi bé được 5-6 tháng, bé sẽ ít trớ hơn.
Nôn trớ là biểu hiện bệnh lý khi nó tái phát nhiều lần, nôn bất kỳ thức gì khi bé bú, ăn uống và đi kèm với các dấu hiệu khác như đau bụng dữ dội, bí trung đại tiện hoặc sốt cao, co giật, vẻ mặt nhiễm trùng, tiêu chảy.
Khi bé bị nôn trớ, mẹ cần xử trí thế nào?
- Để bé nằm, đầu thấp và nghiêng, tránh chất nôn tràn vào đường thở.
- Nếu bé nôn trớ qua mũi, cần lau sạch, hút các chất nôn ở mũi ra để bé dễ thở.
- Theo dõi chất nôn là thức ăn mới, có lẫn máu, màu đen hoặc đỏ tươi không và số lần nôn trong ngày.
- Các triệu trứng đi kèm theo với nôn: sốt cao, vật vã, co giật khi bé bị viêm màng não; nôn kèm với tiêu chảy, đau bụng từng cơn trong tiêu chảy cấp, tả, ngộ độc thức ăn; nôn, đau bụng không kèm theo tiêu chảy, gặp trong các cấp cứu ngoại khoa.
Mẹ không tự ý sử dụng các thuốc chống nôn vì các thuốc chống nôn đều độc với bé, không cần dùng nếu chưa có chỉ định. Nếu bé nôn trên 2-3 lần/ngày, có hoặc không kèm theo các triệu trứng khác, mẹ cần đưa bé tới khám tại các cơ sở y tế.
Phòng nôn hoặc trớ cho bé
Không cho bé bú quá no, bú quá nhiều hơi, sau khi bé bú xong, mẹ nên bế bé, nâng đầu cao, không cho bé vận động nhiều như tập lẫy, bò, không đặt bé nằm ngang. Đối với bé bú bình, mẹ cầm bình sữa sao cho sữa ngập cổ bình. Không ép bé ăn khi bé không muốn ăn, không đưa thìa quá sâu phía sau lưỡi bé.
BSGĐ1 – Viện nhi TW