Việc đội mũ cho trẻ sơ sinh là không cần thiết, thậm chí không nên, đối với những em bé chào đời khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Dường như bất cứ trẻ sơ sinh nào sau khi chào đời đều được đội mũ chụp đầu với mục đích bảo vệ. Đặc biệt với các bé sinh nhẹ cân, sinh non hoặc sinh mổ thì việc này càng được nhiều bệnh viện xem trọng.
Tuy nhiên đối với đứa trẻ chào đời khỏe mạnh thì nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên đội mũ cho trẻ sau khi sinh. Theo các chuyên gia việc làm này thực sự không cần thiết khi nó vừa cản trở khả năng “da-tiếp-da” của bé với mẹ vừa khiến trẻ cảm thấy khó chịu nhất là khi đổ mồ hôi.
Tạo ra sự ngăn cách tình cảm mẫu tử
Khi sinh ra, trên cơ thể trẻ thường có một mùi rất kỳ lạ và đặc trưng. Theo các nghiên cứu thì mùi này mang một ý nghĩa khá quan trọng về mặt sinh học. Dường như chỉ có người mẹ mới có khả năng nhận biết ra mùi hương kỳ lạ này của em bé.
Đồng thời trẻ sơ sinh cũng có thể cảm nhận được hơi ấm và mùi cơ thể của mẹ khi được da-tiếp-da. Mùi được nhắc đến ở đây bắt nguồn từ một loại hormone có tên oxytocin được tiết ra từ tuyến yên vốn có vai trò thúc đẩy co thắt tử cung và kích thích tuyến sữa sau khi người mẹ sinh con.
Chính vì vậy, việc đội mũ cho trẻ sơ sinh sẽ làm cản trở sự cảm nhận da thịt này và tạo ra sự ngăn cách tình cảm mẫu tử. Nó có thể gián tiếp khiến trẻ cảm thấy sợ hãi hơn trong quá trình thích nghi với môi trường sống mới.
Đồng thời, mùi cơ thể từ trẻ sơ sinh cũng có tác động tích cực đến tâm trạng của người mẹ sau sinh, giúp tăng cường các phản xạ tốt trong quá trình cho con bú. Cảm giác sảng khoái tinh thần khi gửi thấy mùi hương cơ thể của bé cũng giúp mẹ có điều kiện tăng tiết sữa nhiều hơn, đem đến cho bé những dòng sữa ngọt ngào tinh khiết.
Ảnh hưởng đến việc da tiếp da
Nhiều người nghĩ rằng ngay sau khi chào đời, trẻ sơ sinh cần phải được đội mũ để giữ ấm, tuy nhiên trên thực tế người mẹ hoàn toàn có thể giữa ấm được cho đứa trẻ mà không cần đến mũ.
Để trẻ sơ sinh tự điều chỉnh thân nhiệt một cách tốt nhất, các chuyên gia khuyên các bà mẹ nên để con được thường xuyên tiếp xúc với da mẹ. Nhiệt độ cơ thể của người mẹ sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của bé, đó là lí do việc thực hiện tiếp xúc da-tiếp-da trong khoảng một vài giờ đầu trẻ mới sinh là rất quan trọng.
Trong thời gian da-tiếp-da, nếu em bé cảm thấy quá nóng thì cơ thể người mẹ sẽ lạnh đi và nếu em bé cảm thấy lạnh thì cơ thể người mẹ sẽ nóng lên. Nói tóm lại, nhiệt độ cơ thể người mẹ sẽ thay đổi thích hợp để giữa cho cơ thể bé luôn ở mức nhiệt độ ổn định.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Anh năm 2008, cho biết việc da-tiếp-da rất có hiệu quả trong việc điều tiết nhiệt độ cơ thể của bé, đồng thời nó còn đem đến nhiều lợi ích tuyệt vời khác. Vì thế khi em bé được chào đời, thay vì đội mũ để giữ ấm cho con, các mẹ hãy nhẹ ôm con vào lòng, trực tiếp đặt bé áp vào ngực của mình để thực hiện da-tiếp-da.
Song, không phải trong bất cứ trường hợp nào bé và mẹ cũng có cơ hội được gần nhau ngay sau khi sinh bởi nhiều bé sinh non hoặc tình trạng sức khỏe không tốt sẽ tạm thời phải nuôi trong lồng kính. Tuy nhiên, hiện nay điều kiện chăm sóc các bé sinh non trong lồng kính cũng đủ để bảo vệ và giúp trẻ khỏe mạnh hơn qua từng ngày. Chính vì vậy, dù cân nặng và sức khỏe của trẻ thế nào, việc đội mũ chụp đầu quả thật là điều không cần thiết.
Theo khampha.vn