Giai đoạn sơ sinh, bé có những biến đổi sinh lý nhằm thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung.
Vàng da sinh lý
Khi còn trong bụng mẹ, bé cần lượng hồng cầu lớn để mang oxy đến các tổ chức của cơ thể. Khi ra đời, lượng hồng cầu nhiều như vậy không còn cần thiết, chúng bị phá hủy và thải ra nhiều bilirubin, trong khi chức năng gan bé còn yếu, quá trình chuyển hóa bilirubin ở gan bị hạn chế. Trong máu còn tồn đọng nhiều bilirubin tự do, thành mao mạch xốp, sắc tố mật dễ thấm vào da, gây nên vàng da. Sau đó, gan làm việc bình thường, hồng cầu bị hủy ít đi, bilirubin giảm dần, da trở lại bình thường.
85 - 90% bé mới sinh bị tình trạng này. Vàng da thường xuất hiện vào ngày thứ 2 sau sinh, thường bắt đầu từ mặt rồi lan dần toàn thân. Vàng da đậm nhất vào ngày thứ 4, thứ 5, sau đó giảm dần và hết vào ngày thứ 8 - 10 sau sinh. Có một số ít bé bị vàng da nặng, kéo dài 3 - 4 tuần. Bé non tháng thì vàng da kéo dài hơn bé đủ tháng, bé trai vàng da đậm hơn bé gái, con so vàng da đậm hơn co rạ. Trong những ngày này, bé vẫn ăn ngủ tốt, đại tiểu tiện bình thường.
Sụt cân sinh lý
Những ngày đầu sau sinh, cân nặng của bé giảm so với lúc ban đầu không quá 10%, bé vẫn ăn ngủ bình thường,… đó là sụt cân sinh lý. Nguyên nhân có thể do bé bị mất nước qua đường hô hấp, do bé bài tiết phân và nưc[s tiểu hoặc do bé nôn những dịch bẩn, nước ối mà bé đã nuốt phải trong quá trình chuyển dạ. Có 2 loại sụt cân:
- Sụt cân nhanh và hồi phục nhanh: Ngay trong ngày đầu sau sinh, bé đã bắt đầu sụt cân và tiếp tục sụt cân ở ngày thứ 2 - 4, khoảng 20 - 50g/ngày. Sau đó, cân nặng của bé hồi phục bằng cân nặng ban đầu. Loại sụt cân này chiếm khoảng 25%, hay gặp ở bé khỏe mạnh, bút tốt, mẹ có nhiều sữa.
- Sụt cân chậm và hồi phục chậm: Ngày thứ 2 - 3, bé mới bắt đầu sụt cân, tiếp tục sụt đến ngày thứ 7 - 8 rồi dừng lại, sau đó tăng cân từ từ, đến ngày 12 - 13 mới bằng cân nặng ban đầu. Loại này gặp nhiều hơn. Nếu cho bé bú sớm, bú theo nhu cầu, không cần giờ giấc thì chắc chắn bé sẽ sụt cân ít và phục hồi nhanh.
Thay đổi thân nhiệt
Ngay sau khi sinh, thân nhiệt bé khoảng 37,50C – 380C, cao hơn nhiệt độ cơ thể mẹ. Sau 30 - 60 phút, nhiệt độ này bắt đầu giảm dần. Sau 2 - 4 giờ, thân nhiệt tiếp tục hạ đến mức thấp nhất. Với bé sơ sinh khỏe mạnh, được chăm sóc tốt thì thân nhiệt không giảm quá 1,50C, còn bé non tháng, thân nhiệt có thể giảm nhiều, nhất là khi nhiệt độ bên ngoài thấp. Sau 12 - 24 giờ, thân nhiệt duy trì ở mức 36,50C – 370C. Nguyên nhân là do bé phải tiếp xúc một cách đột ngột với môi trường bên ngoài có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể mẹ. Thân nhiệt của bé trở lại bình thường càng sớm khi bé khỏe mạnh, được chăm sóc tốt và bú sớm.
Có 5 - 15% tổng số bé mới sinh có hiện tượng sốt sinh lý, xuất hiện vào ngày thứ 3 - 4 sau sinh, trong thời gian bé sụt cân nhiều nhất. Bé có thể sốt cao 390C – 400C trong vài giờ rồi trở lại bình thường. Nếu bé được bú mẹ và chườm nước ấm 370C – 380C ở trán, nách, bẹn, hậu môn… thì nhiệt độ sẽ hạ xuống, không cần đến thuốc hạ sốt. Lý do là bé nhận quá ít nước so với nhu cầu, vì thế, mẹ cần cho bé bú sớm, đủ theo nhu cầu.
Phù tuyến sữa
Lúc mới sinh, 2 vú bé rất bé, đường kính 8 - 10mm, phẳng trên mặt da, chỉ có núm vú hơi nhô lên như đầu tăm. Sau 4 - 5 ngày, ở cả bé trai và bé gái, 2 vú bắt đầu to dần đến 8 - 10 ngày là tối đa. Bé ăn ngủ bình thường, không đau, da vú bình thường, không đỏ. Nếu nặn vú ra sẽ có ít sữa non. Cuối tuần thứ 2, sang tuần thứ 3, tuyến sữa tự nhỏ dần, đến cuối tuần thứ 4, tuyến sữa trở về kích thước ban đầu. Đó là hiện tượng phù tuyến sữa sinh lý, gặp ở 95% tổng số bé sơ sinh, không phải điều trị gì, chỉ cần giữ gìn, tránh làm tổn thương da, vùng vú… để tránh nhiễm khuẩn vú.
Những biến đổi ở bộ phận sinh dục ngoài
Vài ngày sau sinh, ở 1 số bé gái, âm hộ bị nề, 2 môi lớn nề và sẫm màu hơn, âm hộ tiết ra chất nhầy và một ít máu tươi như máu kinh. Hiện tượng này xuất hiện trong vài ngày rồi mất hẳn. Đó là do bé nhận nội tiết tố của mẹ truyền sang. Đối với bé gái, nội tiết tố này tác động vào niêm mạc tử cung, làm niêm mạc dày lên và bong da, bài tiết ra một ít máu ở âm hộ. Còn đối với bé trai, nội tiết tố này tác động vào môn vị, làm cơ môn vị dày lên, gây hẹp môn vị. Đây là lý do vì sao hẹp môn vị hay gặp ở bé trai.
BS.CK1 Phạm Thị Thục
Nguyên Trưởng phòng khám Nhi – BV Bạch Mai