Trong bụng mẹ, bé được cung cấp dưỡng chất và oxy từ bánh nhau thông qua dây rốn. Sau sinh, bé nhanh chóng chuyển sang đời sống bên ngoài tử cung, các mạch máu trong dây rốn ngừng hoạt động, cuống rốn khô dần và rụng khi bé được 7 - 10 ngày tuổi.
Vì sao rốn lâu rụng?
Việc chăm sóc rốn cho bé không quá phức tạp, chỉ cần giữ cho rốn sạch, nhanh rụng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn cho bé. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mẹ đã có những thực hành sai.
Phần lớn các mẹ có tâm lý lo sợ khi phải chạm vào rốn bởi nghĩ rằng cái rốn quá nhỏ bé, nếu sơ ý sẽ khiến bé bị đau, bị chảy máu… Do đó, mẹ thường băng kín rốn lại để tránh cho rốn bị động chạm nhiều, tránh cho rốn bị dính bụi bặm, nước tiểu,… Cũng có trường hợp, mẹ dùng cồn để vệ sinh rốn… Những cách này đều không đúng vì rốn được băng kín sẽ không thoáng và do được lau bằng cồn, rốn sẽ ướt, lâu khô, dễ nhiễm khuẩn và lâu rụng. Bên cạnh đó, nếu mẹ không quan sát rốn mỗi ngày sẽ không phát hiện được những bất thường, vì vậy, vô tình bỏ sót các bất thường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé sơ sinh.
Trong một số trường hợp, rốn rất lâu rụng, có thể vẫn chưa rụng lúc 2 tuần tuổi. Các bé này cần được theo dõi rốn kỹ lưỡng để xử trí kịp thời. Nguyên nhân khiến rốn lâu rụng, mặc dù đã chăm sóc đúng cách, có thể là do kiểu rốn sâu, rốn phẳng hay rốn lồi.
Để biết chính xác rốn bé lâu rụng là do kiểu rốn hay do nhiễm khuẩn vì chăm sóc sai thì cách tốt nhất là mẹ nên đưa bé đến bác sĩ nhi.
Hãy để rốn được “thở”
Để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn, mẹ cần giúp rốn bé nhanh rụng bằng cách giữ rốn khô thoáng. Tổ chức Y tế thế giới hướng dẫn cách chăm sóc rốn đơn giản mà hiệu quả như sau:
- Nguyên tắc chính là không băng rốn trong hầu hết trường hợp, không bôi thuốc lên rốn.
- Hằng ngày, khi tắm cho bé, mẹ cần quan sát cuống rốn. Nếu cuống rốn không sạch, mẹ cần rửa cuống rốn với dung dịch nước muối sinh lý rồi lau khô. Nếu cuống rốn vấy bẩn, mẹ cần rửa cuống rốn bằng nước và xà phòng dành riêng cho bé.
- Sau khi vệ sinh cuống rốn, mẹ cần lau khô và để hở rốn, không băng kín.
ThS. BS Nguyễn Trọng Hiếu
Nguyên trưởng khoa sơ sinh, BV Hùng Vương, TP.HCM