BS.CK2 Cấn Phú Nhuận, trưởng khoa Khám bệnh (BV Nhi Trung ương) cho biết: Giai đoạn bé gần 2 tuổi là thời gian phát triển giọng nói mạnh nhất. Tuy nhiên, nếu bé chậm phản ứng với âm thanh hoặc không phát âm những tiếng đơn giản gồm một âm tiết thì chứng tỏ bé đang mắc bệnh chậm nói.
Bé chậm nói thường thích hành động hay biểu hiện bằng các cử chỉ hơn là dùng lời nói. Bé chỉ có thể nhắc lại vài từ đơn giản mà không giao tiếp bình thường được.
Biểu hiện thế nào?
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy các biểu hiện thường thấy nhất ở bé chậm nói là:
- 2 tuổi chưa nói được những từ đơn giản như “mẹ ơi”, “bà ơi”; chưa chỉ được các bộ phận của cơ thể, chưa chỉ và gọi tên được những con vật gần gũi như chim, mèo, chó, gà… Hoặc trên 1 tuổi mà bé vẫn sử dụng cử chỉ hoặc thích sử dụng cử chỉ (khi giao tiếp, diễn giải ý muốn của mình) hơn việc phải phát âm để giao tiếp hay bắt chước âm thanh hay hành động của người lớn, hoặc hình ảnh trước mắt.
- Bé chỉ nói và nhắc đi nhắc lại vài từ mà không thể sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp theo đúng sự phát triển bình thường. Ví dụ như muốn đi chơi, bé chỉ nói được từ “đi”…
- Không thể nghe theo những lời điều khiển đơn giản của người lớn.
- Gặp khó khăn trong việc làm người khác hiểu. Cha mẹ thường hiểu được nửa điều mà bé muốn nói.
Nguyên nhân là gì?
BS Nhuận cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến bé chậm nói, thường là do có vấn đề khả năng vận động của miệng. Có nghĩa là trong não khu thiếu khả năng giao tiếp để phản ứng với việc tạo ra lời nói. Bé sẽ thấy khó khăn trong việc sử dụng lưỡi, răng và hàm để tạo âm thanh.
- Vấn đề về thính giác đôi khi cũng là nguyên nhân gây chậm nói. Nếu thính giác kém, bé sẽ gặp vấn đề về hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.
- Xem ti vi một mình là thủ phạm gây ra sự chậm nói ở bé. Thực tế, ti vi có thể giúp bạn đỡ phần nào sự nhọc nhằn khi chăm sóc bé, nhưng ti vi không tạo được sự tương tác, trong khi nhờ có sự tương tác này, bé mới có thể phát triển được ngôn ngữ.
- Ít chơi, trò chuyện với bé, cho bé ở nhà, ít giao tiếp với bên ngoài.
Cần làm gì để giúp bé?
- Trước hết, bạn cần tìm hiểu đúng nguyên nhân và giải quyết từng phần. Quan trọng nhất là nên giao tiếp với bé nhiều hơn.
- Hạn chế tối đa việc cho bé xem ti vi.
- Tập cho bé biết nghe các âm thanh khác nhau và cho bé giao tiếp qua những hình ảnh hay điệu bộ cũng là cách giúp bé tập nói tốt.
- Sử dụng các tình huống hằng ngày để khuyến khích bé phát triển khả năng nói và ngôn ngữ, như gọi tên đồ vật, đồ ăn khi chúng ở trước mắt bé…
Gia Huy