Việc nắm được các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của bé là vô cùng hữu ích, giúp cha mẹ có những định hướng và phương pháp giáo dục ngôn ngữ phù hợp cho bé ngay từ những ngày đầu bé tập nói.
13 - 18 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, bé có thể nhận biết được các thành viên trong gia đình; hiểu các khái niệm “trong và ngoài”, “tắt và mở”; chỉ vào một vài bộ phận trên cơ thể khi được hỏi; phản ứng bằng từ ngữ hoặc cử chỉ với những câu hỏi đơn giản như “ở đâu?”, “cái gì?”…
19 - 24 tháng tuổi
Bé có thể chỉ vào tranh bằng một ngón tay; dùng nhiều phụ âm (p, b, m, n, h); lấy được các đồ vật nằm trong tầm nhìn; có thể hiểu hơn 50 từ; giảm cử chỉ, dùng lời nói nhiều hơn để giao tiếp… Vốn từ vựng của bé trong giai đoạn này cũng nhiều thêm đáng kể. Bé có thể kết hợp 2 từ với nhau để tạo thành một câu đơn giản như “ôm con, bế con…”. Khi bé 2 tuổi, bé có thể sử dụng được những câu đơn giản gồm 2 - 4 từ. Tại thời điểm này, bé đã nêu được cái mình thích và không thích bằng một cách đơn giản và ngắn gọn.
25 - 36 tháng tuổi
Từ 2 - 3 tuổi, vốn từ vựng của bé được mở rộng liên tục và bé có thể cảm nhận được tất cả những điều người lớn nói. Điều ngạc nhiên là bé có thể kiểm soát các ngữ điệu trong các cuộc trò chuyện và kết nối từ để có một câu hoàn chỉnh. Bé biết dùng danh từ riêng: con, mẹ, bác, cô, dì…; bắt đầu gọi tên màu cơ bản; lặp lại 2 số đếm, lặp lại các từ, các cụm từ; đọc được những bài thơ, bài hát yêu thích, nói được câu phủ định… Ở giai đoạn 3 tuổi, bé có thể giao tiếp lưu loát trong một cuộc trò chuyện khá dài. Hơn nữa, bé có thể kết nối nhiều từ hơn để tạo thành câu dài.
Tuy nhiên, cha mẹ nên hiểu rằng tất cả các cột mốc đều chỉ mang tính tương đối, không phải bé nào cũng phải phát triển chính xác đúng theo những chuẩn mực chung. Mỗi bé có thể sẽ đạt được các kỹ năng khác nhau tại các thời điểm khác nhau trong một phạm vi nhất định.
Theo Khampha.vn