Nếu thấy bé chậm so với mốc phát triển và chậm so với bé cùng độ tuổi là nên nghi ngờ có chậm phát triển.
Trẻ em là lứa tuổi đang phát triển về mặt thể lực, vận động và tâm lý nên việc phát hiện bé có chậm phát triển hay không cần thông qua quan sát trực tiếp bé, hỏi gia đình, khám sức khỏe, làm một số trắc nghiệm tâm lý và cần phải dựa vào những mốc phát triển về tinh thần và vận động. Nếu thấy bé chậm so với mốc phát triển và chậm so với bé cùng độ tuổi là nên nghi ngờ có chậm phát triển.
(Ảnh minh họa).
Các mốc phát triển về tâm vận động ở trẻ nhỏ
- Về vận động thô: Bé biết lẫy trong khoảng thời gian từ 3–5 tháng, 7–9 tháng biết ngồi, 9–12 tháng biết đứng, 12–15 tháng biết đi.
- Về vận động tinh: Bé 4–6 tháng biết với cầm đồ vật, 7- 9 tháng biết nhặt bằng ngón tay cái và ngón khác, 13–16 tháng biết tự cầm ăn.
- Về ngôn ngữ: Bé 5-6 tháng bập bẹ, 7-9 tháng phát ra âm như “măm măm”, “cha cha”, 10-15 tháng nói một số từ đơn, 18– 24 tháng nói câu 2 từ.
- Về nhận biết: Bé biết hóng chuyện và mỉm cười hồn nhiên khi 1-3 tháng, biết lạ quen khi 6-8 tháng, biết tìm đồ vật bị giấu đi khi 8–10 tháng, đáp ứng khi gọi tên khi 7–9 tháng, biết chỉ bộ phận cơ thể khi 10-14 tháng, thực hiện mệnh lệnh đơn giản khi 10–12 tháng.
- Cá nhân xã hội: 1-3 tháng tuổi, bé nhìn theo vật chuyển động, 4-6 tháng thích cười đùa với mọi người, biết giữ đồ chơi, 7-9 tháng biết chơi ú òa, vẫy tay chào, hoan hô, 10-12 tháng biết chỉ tay đòi đồ vật bé muốn, làm hành động gây người khác chú ý, 13-18 tháng biết bắt chước làm một vài việc vặt, tiếp xúc nhiều hơn với người trong gia đình. Đến 2 tuổi bé biết tự đi vệ sinh, rửa tay, biết cởi quần áo…
Nếu thấy bé có những biểu hiện có tổn thương não bộ (bại não) như người và chân tay bé mềm nhũn hoặc cứng đờ như lên gân, đầu gục không giữ thẳng được hoặc đầu ưỡn ra sau, hai bàn tay nắm chặt…, cha mẹ nên sớm cho bé đi khám.
Dấu hiệu chung ở lứa tuổi lớn hơn
- Bé đáp ứng chậm khi người khác nói với bé và phản ứng chậm với môi trường xung quanh.
- Nói ngọng, khó phát âm.
- Diễn đạt không rõ về suy nghĩ, tình cảm và nhu cầu của bản thân.
- Tiếp thu chậm về ngôn ngữ lời và không lời.
- Hiểu chậm những gì nghe và nhìn thấy.
- Tập trung kém trong mọi hoạt động.
- Trí nhớ hạn chế.
- Vận động kém điều hòa, khó khăn trong các vận động tinh và vận động thô.
- Có rối loạn hành vi như đập phá, la hét…
- Tình cảm: thể hiện cảm xúc đơn giản.
Biểu hiện của một số bệnh lý bẩm sinh
Bệnh down do rối loạn nhiễm sắc thể: Sau sinh, bé mềm người, ít khóc, hay thè lưỡi. Bé có bộ mặt đặc biệt như mắt xếch, tai thấp, miệng trễ và há, đầu nhỏ, gáy phẳng, cổ ngắn, vai tròn, bàn tay ngắn và to có một đường vân sâu nằm ngang đường bàn tay, bàn chân phẳng, ngón cái tòe ra…
Bệnh suy giáp là do thiếu hoóc-môn tuyến giáp. Bé có bộ mặt phù niêm, da nổi vân tím, thoát vị rốn, táo bón, vàng da sinh lý kéo dài, da khô…
ThS.BS Quách Thúy Minh
Nguyên Trưởng khoa Tâm bệnh (BV Nhi Trung ương)