Trẻ con vốn hiếu động trong khi rủi ro luôn tiềm ẩn khắp nơi…
Theo ThS.BS Đinh Thạc, (BV Nhi đồng 1, TP.HCM), trong độ tuổi từ 1-3, bé có thể gặp rất nhiều tai nạn nguy hiểm ngay khi chơi đùa, kể cả ở trong nhà hoặc trên trường học.
Té ngã
Các bé rất hiếu động, thích khám phá, hay bắt chước nên dễ gặp phải những tai nạn té ngã khi đang chơi đùa như ngã cầu thang, giường, võng, xe đạp, xe máy,… Hậu quả khi té ngã, nhẹ nhất là bé bị chấn thương phần mềm, chảy máu hoặc sây sát da; nặng hơn, bé có thể bị gãy tay, gãy chân hoặc có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là trong những tai nạn nghiêm trọng.
Để tránh cho bé té ngã, mẹ cần trông nom cẩn thận khi bé mới biết bò, biết đi. Giường nằm của bé cần có tấm chắn, dưới chân giường nên trải thêm nệm để giảm chấn động nếu bé ngã. Khi bé vào nhà tắm, cần để mắt cẩn thận và đề phòng trơn, trượt.
Mẹ hãy luôn để ý trông chừng, giám sát mọi sinh hoạt chơi đùa của bé khi ở nhà; nên có hàng rào che chắn an toàn, nhất là khu vực cầu thang, lan can, ban công; nên đội mũ bảo hiểm, dùng đai, địu cho bé khi tham gia giao thông. Bé có trí nhớ rất tốt, vì vậy mẹ hãy luôn nhắc nhớ bé những việc gì không nên làm!
Bỏng
Hơn 70% nguyên nhân gây bỏng (phỏng) là do chất lỏng nóng như nước sôi, nước nóng trong vòi tắm, hoặc bỏng do lửa bếp, bàn ủi (bàn là), điện giật... Theo khảo sát tháng 2/2014 tại BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP. HCM), 1/3 bé bị bỏng đến nhập viện có vết bỏng sâu và nhiễm trùng. Tình trạng này rất nguy hiểm bởi những di chứng sau bỏng có thể gây sẹo co rút và khủng hoảng tâm lý cho bé.
Khi bé bị bỏng, mẹ tuyệt đối không bôi kem đánh răng, nước mắm, giấm… lên vùng bị bỏng và không làm vỡ bọng nước.
Nên đặt những thiết bị, vật dụng có khả năng gây bỏng như phích nước, ấm điện, nút điều chỉnh nóng lạnh của máy nước nóng, đồ ăn nóng,… ở những vị trí an toàn mà bé không với tới được. Các thiết bị điện như bàn là, quạt máy, ti vi, máy tính..., sau khi sử dụng phải ngắt nguồn điện. Các ổ cắm điện phải được đặt trên cao và che chắn kỹ càng đề phòng bé nghịch chơi, chọc tay hoặc đồ dẫn điện vào ổ điện.
Hóc dị vật
Dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bé thường tò mò, hay bắt chước người lớn nên dễ hóc những dị vật như hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ, hướng dương, đậu phộng, tăm xỉa răng, tiền xu, sợi dây thun, đồ chơi đất nặn...
Nếu bé muốn ăn các loại hạt, bánh kẹo, trái cây, mẹ nên theo dõi, hướng dẫn bé. Đối với các bé lớn hơn, mẹ nên hướng dẫn bé những thức ăn nào có thể ăn và cách ăn thế nào cho an toàn.
Ngộ độc hóa chất
Với bản tính tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh, các bé thường đưa tất cả mọi thứ vào miệng, nhất là những gì thấy hấp dẫn hay mang màu sắc sặc sỡ có sẵn trong nhà. Điều này rất nguy hiểm nếu bé vô tình nuốt phải những hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, dầu hỏa, xăng, các loại thuốc bằng chất lỏng…
Khi bé không may ngộ độc hóa chất, mẹ nên đưa bé đến ngay các cơ sở y tế, tuyệt đối không móc họng bé để gây nôn vì sẽ dẫn đến trầy rách niêm mạc miệng, hầu, họng của bé. Ngoài ra, khi nôn, bé sẽ hít phải chất độc và dễ bị viêm phổi. Mẹ nên đặt tủ thuốc gia đình xa tầm tay của bé và luôn có khóa, cũng không nên dùng chai nước suối, nước ngọt để đựng các loại hóa chất này.
Mai Hương