Nhiều mẹ mỗi khi nghĩ đến giờ ăn của bé lại “giật mình” ái ngại, bởi phải bế bé đi “rong khắp nơi” hoặc chạy theo xúc cho bé ăn. Có những bé, dù đã học mẫu giáo vẫn chưa tự xúc được, khiến không những mẹ mà cả các cô giáo cũng vất vả.
Được nhiều hơn mất!
Theo ThS.BS Đào Thị Yến Phi, Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), một trong những nguyên nhân khiến bé biếng ăn là do không tự làm chủ được bữa ăn, bị phụ thuộc nên chán nản mỗi khi phải ăn.
Mẹ thường thích tự làm cho bé. Tâm lý “xúc cho nó cho nhanh” thường xuất phát từ chuyện bé chưa thuần thục, bé đút vào miệng chẳng được bao nhiêu mà lại rơi vãi nhiều, dây rớt ra quần áo, sàn nhà... cộng với tâm lý chiều chuộng, cưng nựng con của các mẹ.
Để bé được tự xúc ăn, mẹ và bé sẽ “được nhiều hơn mất”. Khi tự cầm thìa xúc với bát đồ ăn ngon lành trước mặt, bé sẽ thích thú vì được tự khám phá bữa ăn, dần dần trở nên ham thích, ăn nhanh hơn và sẽ không còn biếng ăn nữa. Việc sử dụng thìa để xúc và đưa vào miệng cũng giúp bé quan sát bằng mắt tốt hơn, đồng thời phát huy khả năng sử dụng đôi tay, khiến đôi tay trở nên linh hoạt, khéo léo hơn. Được tự ăn, cũng là tự phục vụ mình, bé sẽ sớm hình thành thói quen tự lập. Lúc này, mẹ sẽ không còn phải vất vả “đánh vật” với bữa ăn của bé nữa, mẹ có thể khoanh tay đứng nhìn và mỉm cười với “thành quả” là bữa ăn nhanh, ngon miệng của bé.
Tập luyện thế nào?
Tuy nhiên, không phải cứ để thìa và bát ngay trước mặt là bé có thể tự ăn. Việc gì cũng cần tập luyện, và việc tự xúc ăn của bé đòi hỏi quá trình tập luyện từ sớm, hằng ngày và bền bỉ.
Ngay từ khi bé biết ngồi và tập ăn dặm (giai đoạn 6-9 tháng), mẹ có thể cho bé chơi với những bát, thìa nhựa. Khi bé lớn hơn, mẹ hãy cắt nhỏ rau, củ, quả… cho vào bát để bé chơi. Mẹ có thể cùng chơi với bé, xúc vào miệng mình rồi xúc cho bé, dần dần bé sẽ bắt chước hành động của mẹ. Khi bé đã có thể tự xúc và đưa thìa vào miệng, tay bé đã khéo léo hơn, lúc này, mẹ có thể cho bé tự ăn sữa chua, khoai tây nghiền hoặc một chút bột (cháo)…
Mỗi ngày được luyện tập đều đặn, bé sẽ khéo léo hơn, điều khiển đôi tay linh hoạt hơn. Khi được 18-24 tháng, bé đã hoàn toàn có thể tự xúc ăn mà không cần mẹ phải giúp.
Mẹ cần làm gì?
Tâm lý ngại bẩn là một trong những nguyên nhân khiến mẹ không muốn bé tự xúc quá sớm. Vì thế, những chiếc yếm ăn là lựa chọn đầu tiên cho bé, đồng thời mẹ hãy rải thảm, báo cũ hoặc nilon dưới bàn ăn của bé để đồ ăn nếu có rơi vào đó thì cũng dễ làm sạch.
Trẻ nhỏ vốn thích thú màu sắc và ham tìm tòi. Vì vậy, muốn bé khám phá bữa ăn, mẹ hãy mua cho bé những chiếc bát, chiếc thìa có hình thù ngộ nghĩnh cùng màu sắc và các con vật mà bé yêu thích. Những chiếc thìa có tay cầm to, vừa vặn với lòng bàn tay của bé và những chiếc bát rộng miệng, sâu lòng… rất thích hợp với giai đoạn này của bé. Một món ăn được chế biến và trình bày đẹp mắt, với đa dạng màu sắc cũng sẽ kích thích bé hào hứng xúc hơn.
Trong thời gian bé tập xúc, mẹ cũng không nên la mắng khi bé xúc vãi hoặc bị dây bẩn, đồng thời hãy khuyến khích, động viện và khen ngợi nỗ lực cầm thìa của bé, mỗi khi bé xúc được một thìa vào miệng mà ít bị rơi.
Cuối cùng, hãy để bé được ngồi cùng bàn và cùng ăn với cả nhà. Không khí bữa ăn chung vui vẻ cùng cả nhà là động lực giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Hạ Anh