Bé trong độ tuổi 1-3, cùng với những phát triển về thể chất còn có những bước tiến mới trong nhận thức và cảm xúc. Khác hẳn các thời kỳ trước đó, bé đã biết thông qua các giác quan để “thăm dò”, khám phá thế giới xung quanh. Nắm được các đặc điểm tâm lý của bé giai đoạn này, cha mẹ có thể giúp bé phát triển theo hướng tốt nhất.
Có thái độ với những thay đổi
Trong giai đoạn này, bé đã có trí nhớ về cảm xúc và biết bày tỏ thái độ với những thay đổi. Bé đã nhớ khi nào buồn, khi nào vui mừng và có thể “khó chịu” khi phải ăn, ngủ ở một nơi “không phải là nhà mình” hay hào hứng khi được tự cầm thìa xúc ăn.
Đồ vật cũng có cảm xúc
Lúc khoảng 2 tuổi, bé thường cho rằng những đồ vật vô tri giác như đồ chơi, đồ vật xung quanh cũng có cảm xúc, suy nghĩ và có hành động như con người. Bé tin chắc rằng khi búp bê ngã xuống, búp bê cũng bị “bươu đầu” giống như bé vậy; hoặc bé sẽ nói rằng, chú gấu bông ở nhà đang chờ bé về xúc ăn. Chính vì vậy, cha mẹ cần giúp bé học được tình thương yêu, sự đồng cảm đối với con người cũng như đồ vật xung quanh. Cha mẹ cần kể cho bé nghe các câu chuyện ngụ ngôn, mượn con vật để nói lên tình cảm của loài người; cần cùng con xem tranh, dành thời gian mỗi tối trò chuyện với bé, giúp bé hiểu, nói và bộc lộ cảm xúc. Sau những lời căn dặn của cha mẹ, bé cần trải nghiệm để có được thói quen, cần thực hiện các hành vi tốt như nói lời xin lỗi, đỡ bạn dậy khi làm bạn ngã, xoa cho bạn khi lỡ cắn bạn đau...
Tìm hiểu thế giới xung quanh thông qua các giác quan
Từ khi mới sinh ra đến lúc 2-3 tuổi, bé dành phần lớn thời gian để tìm tòi, khám phá. Đây là thời gian bé vận dụng tối đa các giác quan của mình, qua đó giúp bé tìm hiểu thế giới xung quanh tốt hơn. Lúc 2 tuổi, bé có trí nhớ tốt về hình ảnh, sự vật, hơn nữa, thị giác của bé phát triển rất tốt nên có thể nhìn được mọi thứ trong tầm mắt giống như người lớn, trong đó có khả năng nhận biết về khoảng cách, bề sâu và sự chuyển động. Khi bé được 2 tuổi rưỡi, bé bắt đầu có cảm giác về màu sắc. Lúc này, bé thường thích ghép các đồ vật lại với nhau dựa vào màu sắc, kích thước hoặc mục đích sử dụng. Các đồ chơi thích hợp nhất lúc này là các khối gỗ, tháp lồng (giúp bé nhận biết những màu sắc và các nhóm đồ vật khác nhau), búp bê, con thú (giúp bé làm quen với cuộc sống xung quanh qua thế giới đồ chơi, đồ vật bé nhỏ, kích thích trí tưởng tượng của bé)... Trí tưởng tượng đang dần hình thành nên bé rất thích thú khi được nghe kể chuyện và ưa kể chuyện cho người khác nghe, thông qua lăng kính chủ quan của bé.
Thích lục lọi, tìm tòi, bé học qua khám phá
Bé con thường học hỏi bằng cách tự khám phá. Tuy nhiên, người lớn thường cấm đoán bé. Việc cần làm là tạo cho bé môi trường an toàn, dạy cho bé biết những giới hạn, ví dụ như bé không được lục lọi đồ đạc trong giỏ người khác, không bước xuống cầu thang một mình... Cha mẹ phát triển khả năng quan sát, giúp bé suy nghĩ, đưa ra kết luận. Trí não của bé vẫn còn rất non nớt, song bé đã bắt đầu biết xử lý các thông tin mà bé thu nhận được, cũng như đã hiểu biết khá nhiều về cách suy luận nguyên nhân - kết quả.
Ngôn ngữ, nhận thức phát triển mạnh
Khi 3 tuổi, bé có những bước tiến nhảy vọt về ngôn ngữ và nhận thức, trí tuệ. Mọi tác động xung quanh đều được bé ghi nhận và phản hồi trong trò chơi, lời nói. Có thể thấy, bé khạc to trước khi nhổ; bé chơi trò chơi say rượu ở trường mầm non; bé chống tay, trợn mắt quát… Đó là bé đang tái hiện lại những hình ảnh bé quan sát được từ xung quanh. Lúc này, cha mẹ cần mẫu mực, làm gương cho bé trong cách ứng xử, hành vi, lời nói, thái độ, bởi bé sẽ tiếp thu tất cả, như một “miếng mút thấm nước”, kể cả điều hay, thứ dở.
Cha mẹ cần dạy bé các việc được và không được làm, phân biệt điều tốt, điều xấu. Các lệnh mà cha mẹ đưa ra phải hợp lý và dứt khoát, có báo trước, theo dõi bé thực hiện đến cùng, đưa ra lời khen chê cụ thể, tránh tình trạng mẹ cho phép mà cha không cho, hay ông bà thương cháu lén làm hài lòng cháu khi cha mẹ cấm. Ví dụ, khi cần cho bé ăn tối mà bé đang mê mải với đống đồ chơi, cha mẹ hãy ngồi xuống chơi cùng bé: “Ôi bây giờ Thỏ, Sóc nghỉ ăn cà rốt đi, cu Bo ăn cơm đã nhé...”. Báo trước như vậy sẽ giúp bé có bước chuẩn bị về mặt tâm lý, và cha mẹ sẽ đỡ thấy cảnh con “la hét, kháng cự”.
Có trí nhớ về vận động
Bắt đầu sang tuổi thứ 3, bé đã bước đầu có trí nhớ về vận động, do đó có thể tự phục vụ mình (và người khác). Cha mẹ không nên vì tâm lý muốn nhanh, gọn, sạch sẽ mà làm giúp bé mọi việc, bởi như vậy là đã tước mất quyền tham gia của bé, làm cho bé sau này ỷ lại, vụng về, phụ thuộc người khác. Các đồ chơi, trang trí, bày biện, sắp xếp nên tiện cho việc sử dụng của bé, khuyến khich bé làm việc. Nếu bé vụng về, làm rơi, làm đổ, làm lâu, cha mẹ cũng đừng phiền lòng. Hãy động viên, cho bé cơ hội trải nghiệm, thành công.
Chắc chắn rằng cha mẹ nào cũng yêu con, mong muốn con tiến bộ. Chỉ cần hiểu con là đã đảm bảo 75% thành công rồi đấy!
TS. Nguyễn Thị Thanh Bình
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM