Để bé tăng trưởng và phát triển tốt, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. Dinh dưỡng tốt trong 3 năm đầu đời sẽ thiết lập và duy trì một nền tảng tốt cho sức khỏe của bé trong tương lai. Thật không may nếu bé ăn phải thực phẩm không an toàn!
Nguồn gốc thực phẩm không an toàn
Hiện nay, trên thị trường, thực phẩm an toàn và không an toàn chưa dễ dàng phân biệt. Thịt, cá, rau củ quả… bày bán tràn lan ở chợ, khiến mẹ “hoang mang” khi lựa chọn thức ăn cho bé. Chính vì vậy, nhiều khi bé đã “vô tình” ăn phải nguồn thực phẩm không đảm bảo: tiêm thuốc, chứa hóa chất, ôi thiu,…
Sai lầm của mẹ
Mẹ ngày nay đã chú trọng hơn đến vấn đề chăm sóc, đặc biệt trong việc chế biến thức ăn cho bé. Thế nhưng, sự “cẩn thận thái quá” cũng ảnh hưởng không tốt đến bữa ăn nói riêng và sức khỏe của bé nói chung. Sai lầm tổng thể nhất của các ông bố bà mẹ là nghĩ rằng bé chưa có răng hoặc có ít răng nên đã xay nát, xay quá nhuyễn thức ăn cho bé. Và chính việc xay đi xay lại như vậy sẽ làm thức ăn mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến “độ ngon”, khẩu vị trong thức ăn. “Bị ăn” những đĩa bột hay bát cháo này, không những dưỡng chất bé thu nạp vào cơ thể bị hao hụt rất nhiều mà bé cũng mất đi cảm giác ngon miệng, dễ dẫn đến biếng ăn.
Đối với một số không nhỏ các mẹ khác, vì lý do nào đó mà họ đã không thể “cho bé ăn bữa nào thì nấu bữa đó”. Họ nấu nhiều và cất trữ thức ăn trong tủ lạnh, làm cho thức ăn mất đi dưỡng chất và dễ nhiễm khuẩn. Bé ăn thức ăn này sẽ có nguy cơ cao bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm…
Ngoài ra, khi chế biến thức ăn cho bé, nhiều người vẫn chưa thực hiện đúng nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm: tay và dụng cụ chế biến thức ăn chưa được rửa sạch đúng cách (bằng xà phòng hay các chất tẩy rửa dụng cụ ăn uống được ngành y tế cho phép để không tồn dư gây độc sang thực phẩm).
Các thức ăn cần tránh
Đối với những bé còn nhỏ, răng chưa phát triển, mẹ không nên cho bé ăn những thực phẩm cứng, tròn (kẹo, đậu phộng, nho, táo, lê, cà rốt sống…) để tránh việc bé bị hóc, kẹt thức ăn trong cổ họng. Mẹ không nên để bé một mình mà phải thường xuyên chú ý quan sát bé, đề phòng bé bị sặc thức ăn.
Những đồ ăn sẵn, thực phẩm để lâu… chứa hàm lượng nitrit cao, gây nguy cơ ung thư, thiếu máu… rất nguy hại cho sức khỏe. Bánh kẹo, bim bim… chứa nhiều đường, làm bé no ngang, đến bữa chính sẽ không ăn được nhiều hoặc dễ bỏ bữa. Đồ ăn nhanh (khoai tây chiên, gà rán, bánh hăm-bơ-gơ…) chứa nhiều chất béo, đường, muối nhưng lại ít dưỡng chất, nếu ăn nhiều, bé dễ bị thừa cân, béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp…
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng
Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai