Ở giai đoạn vị thành niên, thời kỳ chuyển tiếp giữa trẻ em và người lớn, trẻ phát triển rất phức tạp. Tốc độ phát triển về thể chất (chiều cao, cân nặng, hình dáng, giới tính…) của trẻ rất nhanh, các tuyến nội tiết bắt đầu hoạt động, gây xáo trộn lớn về tâm sinh lý. Đó là lý do tại sao những tác động về dinh dưỡng, tâm lý, môi trường đều rất quan trọng với sự phát triển của trẻ và sẽ có ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của trẻ sau này.
Tâm sinh lý của trẻ có rất nhiều sự xáo trộn: trẻ rất hay lo âu, sợ hãi về các biến đổi hình dáng, sinh dục… Những thay đổi, tò mò về hành vi tính dục (muốn biết mọi điều, muốn làm thử mọi chuyện của người lớn như: giải quyết sinh lý, tìm thú vui lạ trong chất gây nghiện, tham gia các băng nhóm…) cũng có thể xảy ra trong thời điểm này. Do đó, trẻ có nhu cầu rất lớn được tâm sự, hướng dẫn, giải thích khi đi tìm tình yêu thương ở bạn bè cùng giới, khác giới và gia đình. Trẻ rất muốn tỏ ra cho mọi người thấy mình là người lớn, rất muốn gây uy tín, thể hiện năng lực và tính độc lập… nên dễ rơi vào nghiện ngập, ăn mặc, hành động khác người, phiêu lưu, mạo hiểm, táo bạo… Những chất gây nghiện (bia rượu, thuốc lá…) là những thứ trẻ dễ “vập vào” nhất, bởi trẻ chưa hiểu hết những tác hại của chúng đối với sự phát triển của cơ thể.
Giai đoạn đầu, trẻ thường chỉ uống thử bia trong những bữa tiệc, liên hoan bạn bè… để chứng tỏ mình đã lớn, nếu không biết dừng lại thì dần dần, trẻ sẽ uống đến rượu có nồng độ cồn tăng dần. Rượu có tác động như là chất ức chế thần kinh trung ương, gây hưng phấn, ảo giác, nói nhiều, giảm trí nhớ, gia tăng ngưỡng đau…, với nồng độ cao thì có thể gây ức chế hô hấp, biến chứng viêm loét dạ dày. Và hệ lụy đầu tiên của việc uống bia, rượu là dễ gây ra tai nạn giao thông, có thể gây chết người. Trẻ sẽ bỏ bê việc học hành, ngộ độc rượu dẫn đến suy hô hấp, cũng có thể dẫn đến tử vong.
Theo những cuộc điều tra, nghiên cứu tại Mỹ, thuốc lá đã sát hại con người còn nhiều hơn súng và các nguyên nhân khác. Nicotin là chất gây nghiện có trong thuốc lá, được hấp thu ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể, có thể làm giảm trí nhớ ngắn hạn và các cử động tinh vi và tạo ra ảo giác… Các nhà khoa học đã tìm ra sự liên quan giữa hút thuốc lá và độ nặng của bệnh bệnh xơ vữa động mạch. Hút nhiều thuốc lá theo kiểu chủ động (tự hút) hay thụ động (hít phải khói thuốc lá do người khác hút tỏa ra) đều có thể làm gia tăng tần suất bệnh lý đường hô hấp, có thể gây ung thư phổi sau này.
Rượu, bia, thuốc lá đều thuộc nhóm các chất gây nghiện cho con người. Tuổi vị thành niên, trẻ đang trong thời kỳ trở thành người lớn, tâm lý bốc đồng nên rất dễ bị biến thành con nghiện nếu đã 1 vài lần thử sử dụng các chất gây nghiện. Tác hại của các chất này đối với cơ thể đang lớn của trẻ trong hiện tại cũng như tương lai là không hề nhỏ. Vì vậy, đây là thời điểm cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội (gần gũi, giải thích, lắng nghe tâm sự của trẻ bằng tất cả tình thương yêu) để giúp trẻ tránh xa được những cạm bẫy này.
BS.CK1 Nguyễn Thùy Trang