“Dù con có không ở gia đình nữa thì con vẫn không hư hỏng đâu. Mẹ à! Con không thể để người yêu con vì con mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Con bỏ đi để bảo vệ anh ấy!”.
Câu chuyện của cô gái tuổi 16
Cổng trường vừa mở, các thiếu nữ ở lứa tuổi trăng rằm rất đẹp trong tà áo dài chạy ùa ra cửa để chờ người nhà và cha mẹ đón.
Bốp! Một cái tát thật mạnh vào mặt một cô bé đang tươi cười với bạn bè. Nó phải tránh vì người đàn ông lao vào tát nó tiếp. Đấy là người mà nó phải gọi là bố. Ông ta hùng hổ và vừa tát vừa chửi: “Tao cho mày đi học chứ tao có cho mày yêu đương không? Đồ con nít ranh bày trò!”. Và câu cuối bố nó chửi nó: “Đồ con đĩ!”. Bạn bè nó xung quanh không hiểu gì, và bản thân nó thì lại càng bất ngờ. Nó khóc và chạy biến mất. Bố nó chạy đuổi theo nó mà không kịp. Ông ta hùng hổ nói với theo: “Mày về nhà thì biết tay tao!”.
Chiều hôm đó, nó không về nhà. Và tối cũng không về. Bố mẹ nó rất lo lắng đi tìm. Sài Gòn rộng thế này, biết tìm ở đâu đây. Họ tới các công viên, đường phố mà không thấy nó. Câu chuyện tình cảm của nó với cậu hàng xóm, bố mẹ nó đã biết từ năm nó học lớp 9. Nó học giỏi nên đỗ vào trường cấp 3 với điểm rất cao. Chỉ nghe mọi người nói là có một cậu thanh niên hàng xóm hơn nó 4 tuổi đang theo đuổi nó. Mẹ và bố nó có qua nhà cậu kia nói chuyện, mong họ khuyên nhủ con họ đừng theo đuổi nó để cho nó học hành. Nhưng cậu kia vẫn liên tiếp hẹn hò với nó. Bố mẹ nó cảnh báo với cậu kia là nó chưa tới tuổi trưởng thành. Cậu ta cũng vâng dạ, nhưng sau thì vẫn lén lút sau giờ đi học gặp gỡ. Ngày bố nó đánh nó chính là cái ngày ông ta bắt gặp cậu kia thập thò ở cổng trường.
Đêm đó, tìm con mãi không được, họ đành phải nhờ tới công an. Họ đã khai thật chuyện tình cảm của cô bé với công an. Tới nhà cậu kia thì cậu ấy vẫn ở nhà và hoàn toàn không biết việc nó bỏ nhà đi. Cậu ấy nói rằng: “Con sẽ lên mạng gọi T. về nhà”. Và đúng hai ngày sau, cô bé trở về nhà.
Nhưng không hiểu tại sao công an khu vực lại tới nói là nếu nó về thì họ sẽ triệu tập nó đi giám định trinh tiết. Mẹ nó không đồng tình. Bố nó lại khăng khăng đòi tố cáo cậu kia về việc dụ dỗ con gái mình. T. cũng ngạc nhiên: “Tại sao công an lại bảo con đi giám định?”.
Chiều hôm đó, nhà cậu hàng xóm cho người sang xin phép gặp cô bé. Gia đình cũng đồng ý. Không hiểu họ nói gì với nó. Ngày hôm sau, nó lại bỏ nhà đi tiếp tục. Lần này, nó lại không đi một mình mà đi với cậu hàng xóm kia. Gia đình hoảng hốt thật sự, chạy sang nhà bên kia. Họ thản nhiên nói rằng: “Con tôi đã lớn, nó đi đâu là quyền của nó”.
Vậy thì lại phải làm đơn tố cáo cậu ấy thôi: Tội dụ dỗ trẻ vị thành niên bỏ nhà ra đi. Công an nói phải làm đơn để họ giúp đỡ. Tới nhà người bà con (là một cán bộ của thành phố) để nhờ chỉ giáo. Người kia đã mắng vào mặt bố mẹ của cô bé: “Trời ơi! Ông bà giết con bé rồi! Tự nhiên lại đi tố cáo, mà tố cáo cái gì? Chuyện tình cảm của trẻ con thì từ từ mà khuyên giải chứ? Nó đã lớn và phải biết yêu chứ! Ông bà làm như thế là lớn chuyện rồi! Hãy rút đơn tố cáo về!”. Nhưng không thể rút được nữa rồi; bút sa thì gà chết thôi.
Mẹ nó biết nó hay lên mạng và nó có địa chỉ e-mail. Mẹ nó lên mạng viết e-mail cho nó. Thật bất ngờ, nó đã lên mạng và gửi thư cho mẹ nó. Trong thư nó viết rằng nó xin lỗi bố mẹ; nó là đứa con bất hiếu; và mong bố mẹ tha thứ.
Nó giải thích vì sao nó yêu anh chàng này: Vì nó quá buồn bởi bố mẹ nó hay cãi nhau; hay xúc phạm tới nhau, còn đòi ly dị. Nó chỉ có cậu hàng xóm để tâm sự nỗi buồn phiền. Nó bảo: “Bố mẹ xem lại mình đi, con không muốn ở nhà nữa cũng vì bố mẹ” và: “Dù con có không ở gia đình nữa thì con vẫn không hư hỏng đâu!”. Nó còn viết một câu mà người lớn đọc mới cảm thấy nó suy nghĩ không đơn giản: “Mẹ à! Con không thể để người yêu con vì con mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Con bỏ đi để bảo vệ anh ấy. Khi nào đúng 18 tuổi, con sẽ về nhà và đi học tiếp.”
Lời khuyên của chuyên gia tâm lý
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ ở lứa tuổi đang lớn có những biến đổi to lớn về tâm sinh lý. Đây là thời kỳ mà tính cách đan xen, nửa trẻ con, nửa người lớn. Đặc biệt, tâm tính trẻ rất dễ xúc động, tính khí thất thường, dễ nổi loạn, chống đối, dễ bị kích động, không giỏi kiềm chế mình, hành vi khó đoán trước.
Cha mẹ cần nắm được đặc điểm này của trẻ để tìm ra phương pháp giáo dục con phù hợp. Chẳng hạn, với hành vi trẻ tự ý bỏ nhà, qua đêm bên ngoài không nên vì lo sợ mà bỏ qua, bao che cho trẻ. Hãy chờ cơn tức giận nguôi ngoai rồi mới đưa vấn đề ra giải quyết. Học cách lắng nghe, trao đổi và chia sẻ với trẻ, thay vì: “Mày có giỏi thì đi nữa đi” hoặc “Bố (mẹ) sai rồi, bố (mẹ) xin con đừng bỏ nhà như thế”, hãy nói: “Bố (mẹ) không hài lòng khi con tự ý bỏ nhà như vậy. Con có hứa với bố (mẹ) sẽ không bao giờ làm như thế được không?”.
Việc giáo dục trẻ phải là sự thống nhất của cả bố và mẹ hay những người lớn tuổi trong gia đình. Tuyệt đối tránh tình trạng “bố đấm mẹ xoa”.
Như Trinh