Hiện nay, ngày càng có nhiều trẻ em xuất hiện tình trạng dậy thì sớm. Dậy thì sớm được định nghĩa khi các biểu hiện dậy thì xuất hiện trước 10 tuổi ở bé trai và trước 8 tuổi ở bé gái. Dậy thì sớm ở bé gái nhiều gấp 5 lần so với bé trai.
Dậy thì sớm
Thông thường, khi cha mẹ thấy những biểu hiện như mọc lông mu, lông nách, tinh hoàn phát triển về kích thước, bộ phận sinh dục ngoài tăng kích thước (ở bé trai) hoặc ngực phát triển, xuất hiện kinh nguyệt sớm (ở bé gái) thì bé đã dậy thì sớm trước đó nhiều tháng, thậm chí cả năm. Ngoài ra, các bé dậy thì sớm còn có những biểu hiện khác như rối loạn tâm tính, đau đầu,...
Có nhiều nguyên nhân khiến bé dậy thì sớm. Nguyên nhân thông thường nhất ở bé trai là do nguyên nhân trung ương, từ vùng hạ đồi não. Dậy thì sớm thường có tính chất gia đình, khi cha hay ông có tiền sử dậy thì sớm. Dậy thì sớm cũng có thể do ngoại vi như u vùng tuyến thượng thận, u buồng trứng, dùng corticoit kéo dài,... Ngoài ra, những nguyên nhân khác như béo phì do chế độ ăn uống nhiều đạm mỡ, ăn phải thịt có nhiều chất kích thích, nhiễm 1 số chất như Bisphénol A (có trong 1 số loại nhựa làm núm vú hay bình sữa trẻ em), chất Ptalates (có trong hộp nhựa, chai nhựa, túi nhựa đựng thức ăn), bé uống quá nhiều sữa đậu nành... cũng gây nên dậy thì sớm.
Chất Oestrogen có trong các loại thuốc, thực phẩm, chất dưỡng da có thể qua đường ruột, đi vào hệ tuần hoàn máu hoặc toàn thân của bé, gây nên những biểu hiện dậy thì sớm. Tình trạng đó được gọi là “chứng dậy thì sớm có nguồn gốc từ bên ngoài”.
Khi bé có dấu hiệu dậy thì sớm, nếu không can thiệp, bé sẽ có nguy cơ phát triển sớm và dừng tăng trưởng. Hậu quả là bé sẽ lùn ở tuổi trưởng thành. Do đó, việc phát hiện sớm tình trạng dậy thì sớm là cần thiết.
Khi phát hiện bé dậy thì, bác sĩ sẽ xem lại biểu đồ tăng trưởng của bé và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán các nguyên nhân có thể gây ra dậy thì sớm. Sau khi đã tìm nguyên nhân và can thiệp, tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thuốc.
Điều trị thuốc có thể ức chế một cách hữu hiệu sự tiết ra GnRH quá sớm, từ đó ức chế sự phát dục của noãn bào (bé gái) và sự tiết ra testosteron (bé trai). Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là ức chế sự hoàn thiện quá sớm của xương, cải thiện chiều cao cơ thể do ức chế sự tăng trưởng hoóc-môn giới tính.
Cha mẹ cần nói cho bé hiểu chuyện gì xảy ra trong cơ thể bé, giải thích để bé yên tâm và dạy bé cách tự chăm sóc cơ thể, đặc biệt bộ phận sinh dục. Cha mẹ cũng nên dự trù 1 số tình huống khi bé bị lo âu, tâm trạng buồn phiền, bị bạn bè trêu chọc, hay mệt mỏi khi có kinh nguyệt…, tránh để bé sốc khi cảm nhận sự khác biệt của mình với bạn cùng trang lứa.
Dậy thì muộn
Ngược lại, khi bé gái trên 13-14 tuổi và bé trai trên 15-16 tuổi vẫn chưa xuất hiện những biểu hiện của dậy thì thì xem như dậy thì muộn.
Có nhiều nguyên nhân khiến bé dậy thì muộn như: di truyền, chế độ ăn uống không hợp lý, trầm cảm hay rối loạn nhận thức như ở bé gái sợ mập, có bệnh mãn tính (tiểu đường, suyễn, bệnh thận,...), có vấn đề ở tuyến yên hay tuyến giáp, rối loạn nhiễm sức thể...
Cách điều trị duy nhất là tiêm hoóc-môn sinh dục và theo dõi đều sự phát triển trên cơ thể các bé. Thông thường, sau khi dùng thuốc khoảng vài tháng, bé sẽ cảm nhận được những dấu hiệu dậy thì. Tuy nhiên, nếu điều trị muộn thì rất khó cứu được khả năng sinh dục và sinh sản của bệnh nhân. Do đó, khi thấy bé có các có vấn đề nêu trên, cha mẹ cần phải đưa bé đi khám và điều trị sớm.
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh
Trưởng khoa Dịch vụ 1 – BV Nhi đồng 2, TP.HCM