Bị bố mẹ cưỡng chế “trói”, khiêng đến bệnh viện tâm thần trong bộ dạng tả tơi… Nhiều game thủ đã phải trải qua từ một đến vài ba lần nhập viện liên tục như thế mới chữa được bệnh nghiện game, nhưng những dấu ấn của căn bệnh vừa dễ vừa khó chữa này để lại trên thân chủ không dễ gì nhạt phai. Mỗi năm, tại bệnh viện Tâm thần trung ương 1, các bác sĩ tiếp nhận 10 – 15 bệnh nhân nghiện game được gia đình đưa đến chữa trị như thế.
Theo BS Thân Thái Phong, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, bệnh viện Tâm thần trung ương 1: Từ khi có internet, có chat rồi có các trò chơi điện tử trên mạng, các trang mạng xã hội, mỗi năm cứ đều đặn có khoảng 10 – 15 bệnh nhân nghiện game, nghiện chat đến điều trị. Họ ở độ tuổi 12 – 18 tuổi, cá biệt có sinh viên, người đã đi làm. Cũng bởi phần lớn bệnh nhân còn đang ngồi trên ghế nhà trường nên hè là thời gian bệnh nhân đến nhiều nhất. Phần lớn là bệnh nhân nam, nhưng cũng không phải có nữ. Có trường hợp em gái nghiện đến mức mỗi tuần nạp thẻ game tới 10 triệu đồng.
Theo BS Phong, ở giai đoạn mới lớn, các em có nhu cầu khám phá, có ý tưởng mới nhưng cũng dễ bị tác động bên ngoài, chưa có sự phân tích tình huống, lại ham thích cái mới nên dễ bị cuốn hút vào các trò chơi trên mạng. Các công ty phát hành game cũng có xu hướng đưa ra các game mới. Người chơi giỏi lại được “thưởng” điểm, thưởng đồ chơi, dù là ảo nhưng cũng có sức hút đối với giới trẻ. Lúc đầu, chơi chỉ là giải trí nhưng họ không dứt ra được và thành mê đắm như vậy. Khi đã nghiện game, họ sẽ dần có các triệu chứng suy nhược cơ thể. Ngồi trước màn hình hàng giờ liền, thức ăn và đồ uống của họ là trà đá, nước ngọt, vài cái bánh rán, bánh mì nên một thời gian sau, tất yếu sẽ gầy mòn. Luôn băn khoăn vươn tới vị trí thứ hạng game cao nên họ hay mất ngủ, hay không ngủ để chơi. Có những bệnh nhân như bị tâm thần, khi cứ ngồi một mình là khoa chân múa tay, lẩm nhẩm một mình. Nếu chơi các game có tính bạo lực, tính cách của họ cũng có biểu hiện lệch lạc, sự cục cằn, hung hăng… Nếu cha mẹ có phân tích phải trái, họ cũng gạt đi, bảo rằng không cần ai can thiệp, cho rằng mình không có bệnh, chỉ có bạn trên mạng là người tốt, còn bố mẹ thì chỉ mắng mỏ, cấm đoán.
Là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tâm thần, BS La Đức Cương, Giám đốc bệnh viện tâm thần trung ương 1 cho biết về kinh nghiệm điều trị bệnh nhân nghiện game: Tốt nhất là phải cách ly hoàn toàn được bệnh nhân khỏi môi trường có game trong vài tháng, không cho họ được nấn ná chơi. Nếu mỗi ngày cho họ chơi thêm 1 phút, cứ theo cấp số cộng như vậy thì sau 365 ngày, thời gian dành cho game sẽ là bao nhiêu, và hỏi làm sao họ cai được? BS Cương cũng chỉ ra những dấu hiệu để cha mẹ có thể nhận biết con mình đang mải và nghiện game: Bố mẹ gọi con về, con luôn nói về ngay đây nhưng vài tiếng sau mới thấy có mặt ở nhà. Bố mẹ đến tận nơi, bực quá mà đánh thì họ cũng không cãi vì biết là mình sai. Thế nhưng, khi bố mẹ bắt họ ăn, ngủ theo giờ giấc, họ thường sẽ vùng vằng, không nghe lời. Họ không ngủ ngon giấc, có biểu hiện trầm cảm; vì khi chơi chưa giỏi, họ luôn buồn bực, giỏi rồi thì hụt hẫng vì không còn thú vui nào.
Quang Hưng