“Ngủ ngày, cày đêm” là lựa chọn của nhiều bạn trẻ tuổi vị thành niên. Đây thực sự là một thói quen phản khoa học, ảnh hưởng tới sức khỏe và chiều cao của cả một thế hệ người Việt Nam.
“Điểm danh hội cú” – Một hoạt động thường xuyên trên facebook
Hiện nay, trên trang mạng xã hội Facebook, có rất nhiều diễn đàn mở ra với rất nhiều chủ đề, song có một thói quen các thành viên trên diễn đàn nào cũng có: Điểm danh hội cú đêm. Tầm sau 12 giờ đêm, một vài status: “Cả nhà mình điểm danh xem ai còn thức nào”; “Điểm danh cú đêm nào”… nhận được rất nhiều like chứng tỏ thành viên đó còn thức. Có không ít thành viên này vẫn còn là học sinh, trong độ tuổi 12-17 tuổi, được xem là tuổi ăn tuổi ngủ. Việc “ngủ ngày, cày đêm” này của trẻ khiến cha mẹ lo lắng.
Thức khuya thời gian dài, trẻ sẽ rối loạn giấc ngủ về sau
Trẻ vị thành niên đang độ tuổi ăn, tuổi lớn. Chính vì vậy, việc đảm bảo ăn đủ, ngủ đủ là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho tầm vóc của trẻ sau này. Theo TS.BS Nguyễn Thanh Bình, Giảng viên bộ môn Thần kinh, Đại học Y Hà Nội, nhu cầu ngủ của trẻ độ tuổi này là từ 9-10 tiếng/ngày. Đặc biệt, thời gian ngủ từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng rất quan trọng, vì trong giấc ngủ, hoóc-môn phát triển chiều cao hoạt động mạnh vào lúc này. “Nếu trẻ ngủ ít, ngủ muộn, chiều cao là thứ ảnh hưởng nhiều nhất” – TS Bình khẳng định.
Giấc ngủ là một quá trình tự nhiên của con người và bị ảnh hưởng bởi nhịp sinh học. Vào ban đêm, con người dễ buồn ngủ và đi ngủ khi trời tối, do cơ thể tiết ra melatonin, một tín hiệu để cơ thể tự điều chỉnh và đi vào giấc ngủ. Việc cưỡng lại quy trình sinh học của cơ thể là điều ảnh hưởng rất lớn trong các hoạt động ban ngày của trẻ. Trẻ có thể giảm độ tập trung, giảm sự chú ý, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính cách… và có thể gây ra trầm cảm về sau.
“Những thói quen xấu ảnh hưởng tới giấc ngủ chính là giờ đi ngủ thất thường; xem sách vở, truyền hình trên giường; ăn uống ngay tại giường hoặc trong phòng ngủ; thay đổi môi trường sống đột ngột hoặc hay lo lắng thái quá.” – TS Bình phân tích.
Để có thể có một giấc ngủ tốt, TS Bình khuyên: cha mẹ hãy tránh mọi hoạt động mạnh, căng thẳng cho trẻ vào trước giờ đi ngủ; cần phải quy định một giờ đi ngủ nhất định và sáng dậy đúng giờ; không nên cho trẻ ngủ ban ngày quá nhiều (giấc ngủ trưa chỉ từ 30 phút đến 1 giờ là hợp lý). Bữa ăn chiều của trẻ nên là thức ăn nhẹ, uống ít nước, hạn chế các chất ngọt…
Ngoài ra, việc bố trí phòng ngủ phù hợp với giấc ngủ như độ ồn, nhiệt độ, ánh sáng… cũng rất quan trọng cho việc ngủ của trẻ.
Thanh Bình