Khoảng 3 tuổi, bé đã dần hình thành thế giới nội tâm, cá tính và muốn được hành động độc lập, tự chủ như người lớn.
Cái tôi xuất hiện...
Nhiều cha mẹ cho rằng, bé ở cái lứa tuổi “vắt mũi chưa sạch” này thì chỉ biết ăn với chơi, nói gì đến việc suy tư, nghĩ ngợi như người lớn. Tuy nhiên, chính ở giai đoạn này, cá tính của bé bắt đầu hình thành và bé trở nên độc lập hơn với những biểu hiện mà người lớn chúng ta rất dễ nhận ra đấy! Bé đã có thể:
- Nhận ra tên của mình và gắn tên với bản thân, không vui nếu người khác gọi sai tên mình.
- Nhận ra vị trí của mình trong các quan hệ xã hội, biết xưng hô đúng với người đối thoại. Ví dụ: “Con chào mẹ”, “Cháu chào ông”,...
- Nhận ra mình có khả năng làm việc này hay việc khác, biết mình có thể làm thay đổi các vật xung quanh. Ví dụ: bật hay tắt đèn điện, chơi với đồ chơi, nghịch nước, nghịch cát, chơi với bạn...
- Nhận ra giới tính của mình và gắn với một số dấu hiệu về giới. Ví dụ: “Con thích mặc váy, các bạn gái lớp con đều mặc váy”, “Con trai thì phải cắt tóc ngắn, con gái tóc dài để cài nơ”…
- Có ý thức tự nhận xét, đánh giá bản thân về những khía cạnh trải qua trong cuộc sống. Ví dụ: “Con sẽ làm bác sĩ, hôm nay con đã chữa bệnh cho gấu bông”, “Con được cô khen vẽ đẹp đấy mẹ ạ!”,...
Cái tôi xuất hiện cũng là lúc nhu cầu tự khẳng định phát triển mạnh ở bé. Tuy nhiên, mâu thuẫn lớn xảy ra khi bé muốn làm theo ý mình, tự mình làm lấy mọi việc trong khi ý chí và kỹ năng thực hiện đôi khi không đủ, khiến cho việc làm của bé có thể thất bại, thậm chí thiếu an toàn (tự lấy dao cắt, tự lấy diêm, bật lửa...). Trường hợp khác, bé phát triển mạnh cá tính cá nhân đến mức muốn có thẩm quyền với mọi vật xung quanh, cái gì cũng giành về mình, bất chấp hoàn cảnh. Có thể nói, giai đoạn này, bé trở nên bướng bỉnh, ích kỷ hơn; bé không chỉ tỏ ra bướng bỉnh với người lớn mà còn làm những việc người lớn ngăn cấm hoặc làm ngược những yêu cầu của người lớn nữa. Cái “tôi” là động lực mạnh mẽ thúc đẩy bé bước sang giai đoạn phát triển mới. Cha mẹ cần hiểu, thông cảm và ứng xử thích hợp với nhé!
Các nguyên tắc giáo dục giúp bé ngoan hơn
Thế giới nội tâm quy định thái độ của bé khi tiếp nhận các tác động bên ngoài, trong đó, tác động giáo dục của cha mẹ có vai trò rất quan trọng. Giai đoạn hình thành và phát triển cá tính ở tuổi mẫu giáo lại là tiền đề cơ bản cho các giai đoạn về sau. Vì vậy, để việc chăm sóc, giáo dục bé không còn là bài toán khó, cha mẹ hãy:
Yêu thương và tôn trọng bé: Trong lời nói và hành động, cha mẹ cần thể hiện cho bé biết tình cảm yêu thương dành cho bé. Yêu thương đồng thời đi kèm thái độ tôn trọng nhưng vẫn thể hiện cái “tôi” của bé, ví dụ chào đáp lại khi bé chào mình, cảm ơn, cổ vũ bé vì những điều tốt bé làm như vẽ tranh, hát múa...
Hiểu biết nhu cầu và khả năng của bé: Cha mẹ nên có thái độ điềm tĩnh và lắng nghe, quan sát bé để nắm được các sở thích, hứng thú cũng như kỹ năng của bé. Hiểu biết của người lớn sẽ tạo ra hiệu quả cảm xúc và tiến bộ, ví dụ như khuyến khích bé bằng món đồ chơi ao ước hay tận tình hướng dẫn để bé làm được những việc mới, khó.
Thực tế cuộc sống có thể có rất nhiều tình huống mà không phải lúc nào chúng ta cũng giữ được thái độ và ứng xử hợp lý. Tuy nhiên, bằng việc ghi nhớ và thực hành các nguyên tắc cơ bản này, bé sẽ biết vâng lời mà cá tính và khả năng độc lập vẫn được phát triển.
ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân
Khoa GDMN, Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương