Sang tuổi thứ 6, bé chuẩn bị phải đi học tiểu học rồi! Lúc này, cha mẹ thường tìm nơi cho bé luyện chữ, học đọc, học toán; chọn trường học “tốt nhất” cho bé; chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết, liên quan... Thế nhưng, việc cần quan tâm nhất lúc này là: Bé đã sẵn sàng đi học chưa? Mức độ “chín muồi” của bé đạt đến đâu?...
Những biểu hiện cụ thể dưới đây cho thấy bé đã sẵn sàng đi học:
Sẵn sàng về tâm lý:
- Có kỹ năng học (hiểu nhiệm vụ học tập, có thể áp dụng hiểu biết vào các tình huống khác, có một số thói quen, hành vi cần thiết để thực hiện hoạt động học tập, có khả năng tự kiểm soát và tự đánh giá, biết kiểm tra sản phẩm của mình trong quá trình làm và khi kết thúc, có khả năng nhận xét công việc của cá nhân, thích nghi với việc học nhóm...).
- Có khả năng ghi nhớ và tư duy có chủ định.
- Sự phát triển về mặt tâm lý thể hiện ở trò chơi. Độ chín của trò chơi - yếu tố để xác định xem bé đã có thể chuyển sang một hoạt động mang tính phức tạp hơn: hoạt động học tập.
Các bé mầm non đủ độ “chín muồi” để đi học thường thích chơi các trò chơi có luật. Khi chơi các trò chơi dạng này, bé dần hình thành tư duy khái quát – một yếu tố cần thiết cho việc học tập.
- Bị hấp dẫn bởi những biểu hiện bên ngoài của cuộc sống phổ thông (ngồi học sau các dãy bàn, chuông reo báo hiệu giờ giải lao, được chấm điểm, được mang cặp, mang bút đi học...).
Mức độ phát triển ý chí:
- Hình thành các động cơ giúp bé có khả năng điều chỉnh hành vi.
- Hình thành hoạt động nhận thức có chủ đích (ở các bé mầm non, sự chú ý có chủ định trong thời gian dài khó đảm bảo...).
Sự sẵn sàng về mặt trí tuệ:
- Có một lượng kiến thức đúng đắn nhất định về môi trường xung quanh.
- Có thể phát ngôn rõ ràng bằng tiếng mẹ đẻ, biết diễn đạt một cách mạch lạc, rõ ràng, thể hiện suy nghĩ của mình một cách đúng đắn, dễ hiểu.
- Cảm thấy hài lòng khi nhận thức các kiến thức, kỹ năng mới; cần có kỹ năng quan sát, phân tích được các tính chất khác nhau của của các đối tượng, sự kiện.
Cô Lê Thị Thanh Nga
Trường CĐSPTW TP.HCM