Từ giai đoạn mẫu giáo, bé đã có nhu cầu chơi đùa, phát triển mạnh và chơi cùng bé là một trong những “phương tiện” để hiểu và giáo dục bé. Ấy vậy mà có nhiều cha mẹ “quên” chơi với bé chỉ vì không có thời gian hay nhiều lý do khác.
Nhu cầu giao tiếp hoặc chơi cùng của bé thật lớn. Khi xa bạn, xa cô, chính những người thân trong gia đình là những người bạn rất gần gũi mà bé muốn được chơi cùng. Với những suy nghĩ rất cảm tính, bé mong muốn được chơi cùng bố mẹ trong những trò chơi bé thực hiện. Đừng nghĩ rằng bé con không tinh tế vì ngay trong nhận thức của mình, bé cũng đã “phân vai” để bố chơi những trò này và mẹ chơi những trò khác. Một trong những yếu tố quan trọng mà việc chơi cùng bé đem lại là bố mẹ bé biết bé thích gì, thói quen ra sao, hứng thú như thế nào để có thể động viên, định hướng cũng như phát triển bé. Đặc biệt hơn, khi bé bước vào tuổi mẫu giáo, hoạt động chủ đạo của bé là hoạt động vui chơi thì bé càng cần chơi, thích chơi, muốn chơi cũng như khát khao chơi. Chơi với bé, bố mẹ sẽ là những người bạn lớn cùng trò chuyện, tâm sự, giáo dục bé những tính cách tốt đẹp và cần thiết trong cuộc sống.
Tuấn hớn hở cầm chiếc xe lại phía bố. Khuôn mặt sáng rỡ ánh lên niềm vui. Tuấn bảo bố đứng ở phía xa để đón chiếc xe của Tuấn. Bố Tuấn đang loay hoay với mấy xấp hồ sơ dự án nên quát: “Bố đang bận, con tự chơi đi”. Tuấn vẫn cố năn nỉ: “Bố chơi với con tí đi mà”. Bố Tuấn gắt gỏng: “Lộn xộn quá, muốn ăn đòn à?”. Thất vọng cùng lo lắng khiến những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt ngây thơ của Tuấn.
Còn chị Thu lại khác. Dù rất bận rộn khi là giám đốc của một doanh nghiệp nhưng chị luôn chơi với con khi cần thiết. Từ những câu đồng dao “thuộc nát nhừ”, những câu đố, những trò chơi dân gian truyền thống cho đến các trò xếp hình, lắp ráp, chị cũng đều cố gắng để chơi cùng con. Dù thắng hay thua, chị cũng nghĩ rằng kết quả lớn nhất mang lại đó chính là sự phát triển trí tuệ của bé cũng như mối quan hệ mẹ – con nồng thắm mà chị đã xác lập được. Chị tâm sự: “Có những lúc mình phải vờ thua bé hoặc giả vờ quên để bé cố gắng nhớ. Khi bé nhớ được, bé rất thích thú và sung sướng. Nhiều lúc mình phải chơi thắng bé để bé cố gắng và nỗ lực hơn. Chơi cùng bé là cơ hội rất quan trọng để hiểu bé, để có thể giúp bé phát triển. Mặt khác, khi làm việc mệt mỏi và căng thẳng, được chơi cùng bé, mình cảm thấy được thư giãn và trẻ ra, suy nghĩ tích cực hơn”.
Chơi cùng bé không chỉ là một thông điệp mang tính chất kêu gọi mà dường như đã trở thành nhiệm vụ của khá nhiều gia đình. Không chỉ mua đồ chơi cho bé mà bố mẹ còn phải biết chọn lọc cũng như tổ chức trò chơi để bé trải mình vào những trò chơi đó cũng như phát triển chính mình thông qua trò chơi đó.
Chơi cùng bé đòi hỏi bố mẹ phải có sự đầu tư nhất định về mặt thời gian, tâm trí và đặc biệt là sự quyết tâm. Tận dụng thời gian và kinh nghiệm có thể có để chơi cùng bé là những gì nên làm; không nên lấy lý do quá bận rộn hay quá áp lực hoặc quá già, quá khó tính... mà không chơi cùng bé. Đó chính là đầu tư thực sự cho bé cũng như đầu tư cho niềm hạnh phúc mà mình đang có.
PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn
Trưởng bộ môn Tâm lý học, khoa Tâm lý – Giáo dục, trường ĐHSP TP.HCM