Nhiều cha mẹ băn khoăn vì đứa con lên 3 tự nhiên trái tính trái nết, trở chứng, nói không nghe, lại còn phớt lờ sự chỉ bảo của người lớn, thậm chí càng nói càng “làm già”.
Thật ra, bé đang bước vào giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3”. Đây là một hiện tượng tâm lý phổ biến của bé lứa tuổi này, không phải là hiện tượng cá biệt.
Bé muốn làm người lớn…
Tuổi lên 3 là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành trong ba năm đầu đời của bé. Ở bé xuất hiện một số đặc điểm tâm lý và hành vi khác với lứa tuổi trước:
- Bé dễ nổi giận khi thấy người lớn xen vào công việc của mình.
- Thích tự làm mọi việc, trái ý bé thì bé lăn ra ăn vạ, gào thét.
- Thích nói “không” với mọi lời chỉ bảo, thường xuyên làm ngược theo ý người lớn, xuất hiện tính bướng bỉnh, chống đối.
- Xuất hiện tính ích kỷ, cái gì bé cũng muốn là của mình, không muốn người khác sờ vào.
- Bé muốn hiểu về bản thân mình, thích nói về “ngày xưa” khi bé còn nhỏ, thích nói về tương lai khi lớn bé sẽ làm gì?
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân của những hiện tượng trên là do có sự thay đổi trong đời sống tâm lý của bé: Bé đã lớn, có thể làm được một số việc tự phục vụ bản thân và những công việc lao động đơn giản. Do đó, ở bé xuất hiện tâm lý muốn làm người lớn, bé ý thức được mình, có nhu cầu tự khẳng định mình, muốn mình cũng như người lớn có quyền tự làm việc, tự có ý kiến riêng, có nhu cầu riêng, có quyền đồng ý hay không đồng ý, không muốn phụ thuộc vào người lớn.
Cùng bé vượt qua giai đoạn “quá độ tâm lý”
Để giúp bé trải qua giai đoạn này, bạn cần phải có phương pháp giáo dục phù hợp:
- Cần nhận ra sự thay đổi ở bé, hiểu nhu cầu của bé, tạo điều kiện cho bé tự làm những việc vừa sức, tự phục vụ và giúp đỡ việc gia đình. Khi bé làm, nên khuyến khích, động viên để bé thấy mình lớn, thấy mình có ích.
- Theo dõi, lắng nghe những yêu cầu chính đáng của bé, không nên có thái độ xem thường, chê bai, cũng không nên đề cao những chiến thắng quá dễ ở bé.
- Không nuông chiều bé, có thái độ bề ngoài bình tĩnh đối với những cơn giận dữ, ích kỷ của bé. Tốt nhất là nên để bé một mình cho đến khi sự giận dự, ích kỷ qua đi. Có thể đánh trống lảng, chuyển sự chú ý của bé sang chuyện khác vì bé có tính hay quên.
- Khi giận dữ, la hét ầm ĩ là bé mong có người chứng kiến và bênh bé. Nếu bé thấy rằng tiếng gào thét, ăn vạ của mình chẳng có ai ủng hộ, bé sẽ ngừng la hét, hiện tượng này sẽ mất dần. Không nên nhượng bộ, nao núng tuân theo những đòi hỏi vô lý của bé, hay năn nỉ dỗ dành.
- Cần nhẹ nhàng nhưng cương quyết khi bé sai. Trong những trường hợp bất khả kháng, khi bé đòi làm những việc không thể để cho bé làm hay vô lý, cần hướng bé sang hoạt động chơi để thoả mãn ý muốn của bé. Ví dụ, bé đòi bế em, nấu cơm… bạn hãy cho bé chơi trò búp bê, nấu ăn; bé không chịu ăn, hãy cho bé chơi trò xúc cho búp bê ăn… dần dần, bé sẽ bị cuốn hút vào hoạt động chơi mà tự mình ăn.
- Hướng bé vào các hoạt động tích cực khác như dành thời gian trò chuyện, kể chuyện cho bé nghe, dắt bé đi chơi, tham quan, giới thiệu và tạo điều kiện cho bé chơi với bạn cùng tuổi.
Tuổi thơ của bé rất cần sự có mặt của người lớn. Hiện tượng “khủng hoảng tuổi lên ba” là một hiện tượng tạm thời có tính chất chuyển tiếp trong sự phát triển bình thường của bé. Bạn cần hiểu và chuẩn bị tốt giai đoạn này để cả bạn và bé cùng nhau vượt qua.
ThS. Nguyễn Thị Phương Nga
Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐSPMGTW3