Tuổi mẫu giáo (3-6 tuổi) là giai đoạn bé phát triển tâm lý mạnh mẽ và là thời kỳ nền tảng trong quá trình thành nhân cách của bé sau này.
Bé phát triển tư duy trực quan - hình ảnh
Thời kỳ đầu của nhận thức và tư duy, bé tư duy theo kiểu trực quan-hành động, có nghĩa là bé hiểu ý nghĩa của hành động thông qua các vận động cơ thể, các thao tác tay chân như: Đứng lên- ngồi xuống - giơ tay… Sau 3 tuổi, bé bắt đầu trải qua một bước ngoặt mới, đó là chuyển từ tư duy trực quan - hành động sang tư duy trực quan - hình ảnh.
Với tư duy trực quan – hình ảnh bé bắt đầu biết suy luận dựa trên hình ảnh bề ngoài của sự vật hiện tượng, giảm dần việc “thử và sai” và biết cách quan sát để tìm ra đáp án. Giai đoạn này bé có thể học hỏi rất nhanh và ghi nhớ sâu những điều mới lạ, vì vậy, khi tương tác cùng con, cha mẹ hãy đặt ra các câu hỏi “tại sao”, “sao thế này mà không là thế khác”, “nếu… thì sao” để kích thích hành vi sáng tạo cho bé.
Trí tuởng tượng phong phú
Trí tưởng tượng, đối với bé có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống và trong sự phát triển tâm lý, nhận thức. Bé sử dụng trí tưởng tượng để lý giải các hiện tượng xung quanh, để thoát khỏi giới hạn kinh nghiệm cá nhân chật hẹp, bộc lộ xu hướng tính cách và phát triển ngôn ngữ.
Cha mẹ có thể giúp bé phát huy trí tưởng tượng bằng cách tạo điều kiện cho bé tham gia vào các trò chơi, đặc biệt là những trò chơi giả bộ và đọc cho bé nghe những truyện cổ tích. Chính việc được tự do tưởng tượng và tưởng tượng theo dẫn dắt của người lớn (bằng các câu hỏi: “vì sao”, “ở đâu”, “như thế nào”,…) sẽ là nền tảng để bé hình thành năng lực sáng tạo sau này.
Phát triển cảm xúc, tình cảm
Từ 3-6 tuổi, tình cảm của bé bùng nổ nhanh chóng, mạnh mẽ, rõ ràng và có dấu hiệu cho thấy sự hình thành các tình cảm bậc cao, đặc biệt là tình cảm thẩm mỹ - biết nhận ra cái đẹp, rung cảm trước cái đẹp.
Ở tuổi này, bé cũng hay có những biểu hiện bướng bỉnh và chống đối, ghen tức. Đặc điểm này xuất phát từ khả năng tự kiểm soát chưa cao, cộng hưởng với nguyện vọng độc lập. Do đó, khi tương tác với bé, cha mẹ cần lưu tâm giúp bé điều chỉnh, đừng nôn nóng “dập tắt” tính ngang bướng của bé. Hãy cho bé những hướng dẫn rõ ràng, bình tĩnh và hãy lắng nghe bé.
Những lời răn dạy ân cần như: “con nên cảm ơn, xin lỗi”; “con nên dọn đồ chơi vào góc phòng”; “con có khó chịu về điều này không, tại sao”; “vì sao con không thích em nằm cạnh mẹ”... sẽ giúp bé kiểm soát hành vi, quản lý cảm xúc tốt hơn. Bé có cơ hội bộc lộ bản thân và được cha mẹ thấu hiểu. Từ đó, việc đối mặt với khủng hoảng tuổi lên 3 không còn là vấn đề quá lớn lao của cả cha mẹ và bé.
Ngôn ngữ phát triển nhanh
Giai đoạn này, ngôn ngữ của bé bước vào thời kỳ phát cảm – bé bộc lộ tính nhạy cảm cao đối với ngôn ngữ, khiến cho ngôn ngữ của bé phát triển nhanh và hoàn thiện. Đây là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ cung cấp vốn từ cho bé thông qua các hoạt động: trò chuyện, đọc sách,… Từ đây, quá trình tư duy, cách giải quyết vấn đề của bé chuyển sang một bước tiến mới. Ngôn ngữ trở thành phương tiện để bé trình bày ý tưởng, mong muốn của mình hiệu quả và rõ ràng hơn. Cha mẹ cần trở thành một người bạn biết lắng nghe để hiểu, uốn nắn và cung cấp vốn từ, phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho bé.
Hình thành các hoạt động có chủ đạo
Nếu như từ 1-3 tuổi bé hoạt động bằng cách chơi với đồ vật thì tới 3-6 tuổi bé đã biết chơi vui chơi có chủ đề (trò chơi sắm vai có chủ đề) ví dụ như chơi làm bố mẹ, nấu bếp, dạy học…vv. Đời sống xã hội xung quanh được bé tái hiện sinh động trong hoạt động này. Tất cả các hành vi của người lớn trở thành “nguyên liệu” để bé chế biến lại trong hoạt động chơi của mình.
Đây là cơ hội tuyệt vời để giáo dục những thói quen tốt, hợp chuẩn mực cho bé. Bạn hãy cùng chơi với bé các trò chơi giả bộ và “đổi vai”: bé thành bố, mẹ, thành cô giáo. Trong từng vai trò, hãy quan sát cách bé hành xử, bộc lộ ý nghĩ của mình. Từ đó, cung cấp các chuẩn mực cho bé như “con nên thế này, thế kia…”, “muốn người khác giúp, con phải nói là…”,… như vậy việc học được những thói quen tốt với bé sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
ThS. Tô Nhi A
Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TP.HCM