Bé từ 3 đến 6 tuổi, lứa tuổi “mầm non” có những đặc điểm riêng về phát triển thể chất và vận động. Tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng của bé chững lại so với giai đoạn trước, nhưng bé lại có khả năng và nhu cầu lớn để tìm hiểu và nâng cao kiến thức về cuộc sống xung quanh.
Sự phát triển thể chất
Trong giai đoạn này, bé tăng cân chậm (khoảng 2 kg/năm), cao khoảng 95 cm lúc 3 tuổi và mỗi năm tăng lên khoảng 5 cm. Răng sữa của bé cũng đã mọc đầy đủ. Não bộ của bé trong giai đoạn này gần như hoàn chỉnh về mặt cấu trúc, nhưng mọi hoạt động chưa cân bằng, năng lực của não bộ phụ thuộc rất nhiều vào cách kích thích và sử dụng thông qua giáo dục. Đến 6 tuổi, não bộ đạt trọng lượng 100 % não bộ của người lớn (khoảng 1.300 g), sức đề kháng của bé tăng lên, hoạt động tốt hơn.
Hệ xương của bé đã cứng cáp hơn nhưng vẫn còn mềm. Các cơ bắp dẻo dai hơn, có thể nâng đỡ được trọng lượng cơ thể. Bé có thể chạy nhảy, biết dùng đôi tay để nắm chặt đồ vật, biết leo trèo. Cổ tay mềm mại hơn, khiến các bé gái có thể thực hiện những động tác khéo léo hơn.
Nhờ sự phát triển của hệ thần kinh, hô hấp, tuần hoàn và hệ cơ xương, bé có thể thực hiện thành thạo các động tác đòi hỏi sự phối hợp giữa các bộ phận trên cơ thể như: thể dục nhịp điệu, múa hát kết hợp. Bé rất hiếu động, hoạt bát, không chịu ngồi yên một chỗ.
Sự phát triển của bé 3-6 tuổi
Sự phát triển tâm vận động
Bé 3 tuổi thường trầm tính hơn lứa tuổi trước đó. Bé bắt đầu tìm hiểu về thế giới xung quanh một cách rộng và phức tạp hơn. Bé dần có khái niệm về thời gian như các buổi trong ngày, có thể nói “ngày xưa” để chỉ quá khứ, hay “mai mốt” để chỉ tương lai. Bé còn có thể liên tưởng một số đặc điểm liên quan tới từng thời điểm quen thuộc, chẳng hạn như có thể biết buổi trưa là nóng và buổi chiếu là mát mẻ. Bé 3 tuổi cũng có khái niệm về không gian, như phân biệt được gần và xa. Bé cũng bắt đầu biết phân biệt các sự vật xung quanh là vật thật hay chỉ là đồ chơi, ví dụ như đâu là cún thật, đâu chỉ là cún nhồi bông.
Khi được 4 tuổi, bé bắt đầu ý thức được vị trí của mình đối với mọi người xung quanh, đặc biệt là các bạn đồng trang lứa. Các bé rất thích kết bạn và cần nhiều không gian để chơi, điểm đáng yêu là trò nào các bé cũng có thể chơi được, đặc biệt là thích mình trở thành siêu nhân hoặc các nhân vật có sức mạnh đặc biệt (bé trai) hay công chúa, cô tiên (bé gái). Các bé thích chia sẻ đồ chơi với nhau, nhưng cũng hay xảy ra tình trạng “chiến tranh”, giành đồ chơi của nhau. Đây cũng là giai đoạn các bé hay tò mò và thắc mắc về mọi thứ, nên cha mẹ cần luôn bình tĩnh giải thích cho bé, tránh tình trạng quá mất kiên nhẫn với các câu hỏi “tại sao” của các bé.
5 tuổi là giai đoạn bé trưởng thành rõ hơn trên nhiều phương diện. Các bé vẫn thích khám phá các điều mới lạ, nhưng thường tập trung hơn khi làm một việc gì đó. Chẳng hạn khi vẽ một bông hoa, bé sẽ chú ý đến các chi tiết nhiều hơn để vẽ bông hoa cho thật giống. Hay trước khi chơi một trò chơi, bé biết chuẩn bị thêm đạo cụ, biết chia vai để đóng. Ở độ tuổi này, các bé bắt đầu biết lý giải các kí hiệu, hiện tượng, thậm chí một số bé có thể biết đọc và biết viết trước các bạn cùng tuổi.
Và khi lên 6 tuổi, lúc mà não bộ có cấu trúc và trọng lượng như người lớn, bé bắt đầu được đi học để phát triển ngôn ngữ và trí tuệ. Bé bắt đầu được học các mối quan hệ xã hội, tham gia vào các hoạt động tập thể và tạm biệt một giai đoạn rất đẹp mà chúng ta gọi là “tuổi thơ” để chuẩn bị vào lớp 1.
BS Phạm Xuân Tín
Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y dược TP.HCM