Ở giai đoạn này, ngoài nhu cầu nuôi sống cơ thể và cho các hoạt động, bé cần chế độ dinh dưỡng "đặc biệt" hơn để phát triển trí óc, phụ vụ cho học tập.
Bé vẫn cần ăn đủ 3 bữa ăn chính với 4 nhóm thực phẩm (bột đường, đạm, béo, rau và trái cây...) và 2 - 3 bữa phụ xen giữa những bữa chính mỗi ngày. Chú ý cho bé ăn đủ chất vào bữa sáng và những bữa phụ.
Ví dụ: Bữa sáng của bé cần được bổ sung chất đạm từ thịt, cá, trứng và các loại đậu; chất béo có trong bơ, pate; xà lách hay dưa leo và vitamin từ các loại trái cây.
Các món ăn phụ như sữa chua, phomai, bánh flan, trái cây… rất cần thiết cho khẩu phần ăn hằng ngày của bé.
Ngoài ra, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu canxi, hằng ngày nên bổ sung cho bé khoảng 150ml sữa hay các chế phẩm từ sữa.
Nếu bé tăng cân chậm, không tăng cân hoặc tăng cân quá nhanh (trên 500g mỗi tháng) thì mẹ nên đưa bé đi khám dinh dưỡng để bác sĩ tư vấn và theo dõi đà tăng trưởng của bé.
Mẹ cần phối hợp với nhà trường để có một thực đơn phù hợp cho bé với thời gian và liều lượng ăn hợp lý, đồng thời tạo điều kiện cho bé vận động, tập thể dục thể thao nhiều hơn. Sau giờ học hoặc vào cuối tuần, cha mẹ nên sum họp gia đình và dành thời gian vui chơi cùng bé.
Thực đơn mẫu:
- 7g00: 1 tô canh giò heo, rau xà lách và 1 hộp sữa tươi 200 ml.
- 9g30: 1 cái bánh bông lan nho và 1 trái quýt.
- 12g00: 1 - 2 chén cơm với tôm rang thịt, canh rau lang nấu thịt bò, dưa hấu.
- 15g30: Một ít táo sẽ giúp bé có 1 buổi chiều thoải mái.
- 18g30: 1 - 2 chén cơm với trứng chiên có phô mai cắt cục, canh rong biển nấu thịt nạc.
- 21g00 – 21g30: 1 ít trái cây trước khi đi ngủ.
Theo Bel Việt Nam