Lứa tuổi tiền teen (9-12 tuổi), do tâm sinh lý có nhiều xáo trộn nên nhiều bé có phản ứng đối phó bằng cách nhịn ăn, giảm ngủ, sống khép kín vì mặc cảm, dẫn đến suy nhược cơ thể, rối loạn tâm lý… Ngược lại, có nhiều bé phản ứng lại tình trạng thay đổi này bằng thái độ bất cần: ăn uống vô độ, ngủ nghỉ, chơi không theo giờ giấc để chứng tỏ mình đã lớn nên dễ dẫn đến dư cân, béo phì…
Đừng để bé béo phì!
Béo phì ở trẻ em ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe khi trưởng thành vì người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh cao huyết áp dẫn đến tai biến mạch máu não, tăng cholesterol dẫn đến nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, bệnh về xương khớp, thoái hóa cột sống vì chịu sự quá tải của cơ thể, sỏi mật, sạm da… Nhưng tác hại trước hết ở hiện tại của trẻ béo phì là bé sẽ chậm chạp, sạm da, dễ bị bạn bè trêu chọc, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và khả năng học tập của bé.
Ảnh minh họa.
Muốn biết bé trong lứa tuổi này có béo phì hay không, cần tính chỉ số khối cơ thể (BMI) của từng bé dựa vào cân nặng và chiều cao của từng bé. Cha mẹ cần có biện pháp ngăn chặn và điều trị dư cân ngay từ khi bé có dấu hiệu nguy cơ, vì theo những nghiên cứu khoa học, những người lớn béo phì nặng thường có tiền sử béo phì ở tuổi thiếu niên. Cách tốt nhất để phát hiện bé bị thừa cân là phải luôn theo dõi cân nặng của bé trong giai đoạn này. Nếu thấy bé tăng cân nhanh đột ngột quá, nhất là chiều cao tăng không kịp cân xứng thì cần đưa bé đến khám chuyên khoa ngay để bé được cân đo, thăm khám, xác định nguyên nhân và mức độ thừa cân của bé để có hướng điều trị, tập luyện và ăn uống phù hợp ngay.
Nguyên tắc điều trị thừa cân, béo phì
1. Giảm năng lượng đưa vào, nhất là chất béo, chất bột đường nhưng tăng cường chất xơ (hạn chế các loại bánh ngọt, kem, sữa đặc có đường, sữa béo nhưng có thể uống thêm sữa tách béo, nên ăn các món hấp, luộc thay vì những món chiên, xào…, ăn nhiều rau xanh, trái ít ngọt như lê, táo, mận, bưởi…). Chú ý khuyên và tập cho bé ăn uống điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa, khộng để bé quá đói, có thể ăn nhiều vào buổi sáng để nạp năng lượng cho sự hoạt động cả ngày nhưng sẽ ăn giảm dần vào buổi trưa và tuyệt đối không nên ăn vào buổi tối sau 19 giờ). Ở những bé tuổi đang lớn như vậy thì cha mẹ thường xuyên quan tâm theo dõi chế độ ăn của bé để có lời khuyên và hướng can thiệp ngay khi có dấu hiệu tăng cân nhanh.
2. Tăng tiêu hao năng lượng bằng cách tăng cường hoạt động thể lực, hoạt dộng thể thao (có cuộc sống năng động). Bé học nhiều, ngồi nhiều, ít vận động nên cha mẹ cần hướng dẫn và khuyên bé không ngồi lâu quá 1 -2 giờ ở bàn học mà phải vận động, đi lại, giải lao trong lúc học. Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như chạy bộ, nhảy dây, đá bóng, bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền mà hạn chế xem ti vi, trò chơi điện tử…
3. Cha mẹ phải theo dõi và hướng dẫn bé tự theo dõi cân nặng của mình thường xuyên, theo dõi chiều cao, chế độ ăn hằng ngày, thời gian hoạt động và hiệu quả tập luyện thể thao của bé.
Cơ thể trẻ lứa tuổi này là cơ thể đang phát triển và tăng trưởng nhanh nên trong quá trình điều trị dư cân béo phì, cha mẹ không nên đặt ra mục tiêu giảm cân mà cần làm chậm tốc độ tăng cân để đảm bảo sự phát triển chiều cao vẫn tiếp tục, cho nên không được bắt bé nhịn ăn. Quá trình điều trị này nên có sự hướng dẫn và theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa để có thể bổ sung những vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của bé ngay ở những thời điểm cần thiết.
BS.CK1 Nguyễn Thùy Trang
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM