Hơn 50% trẻ em Việt Nam thiếu hụt vitamin A, B1, C, D và sắt… Làm thế nào để biết bé có thiếu vi chất dinh dưỡng hay không?
Để nhận biết bé thiếu vi chất dinh dưỡng, cha mẹ hãy chú ý những triệu chứng như sau:
Vitamin A: Khô mắt, quáng gà, sợ ánh sáng, chậm lớn, da khô ráp, hay bị ho, sổ mũi… Vitamin A có nhiều trong lòng đỏ trứng gà, gan gà gan heo, lươn, rau ngót, đu đủ, dưa hấu, gấc, rau dền, sữa bò…
Vitamin D: Các bé nhỏ hay vặn mình, nấc cụt, ọc sữa, thóp rộng, rụng tóc kiểu “chiếu liếm” (hình vành khăn), khóc “dạ đề”, hay giật mình khi ngủ; đối với bé lớn là thường ho, sổ mũi, chậm mọc răng, chậm liền thóp… Cho da bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là cách cung cấp vitamin D tốt nhất. Các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan... cũng chứa nhiều vitamin D.
Vitamin C: Da của bé khô, dễ chảy máu mũi, chảy máu chân răng, bé hay bị ho, sổ mũi… Vitamin C có nhiều trong cam, quýt, bưởi, các loại rau xanh…
Vitamin nhóm B (B1, B2, biotin…): Biếng ăn, dễ bị phù, viêm bờ niêm mạc (môi, mũi, mắt…) dẫn đến dễ mọc mụn quanh vòm miệng, hay quấy khóc, rối loạn tiêu hóa, chậm lớn, nước tiểu ít…. Nguồn vitamin nhóm B có nhiều trong các loại ngũ cốc, đậu đỗ, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, sữa…
Vitamin PP: Dễ bị viêm lưỡi, viêm da, tiêu chảy, hơi thở của bé có mùi hôi. Vitamin PP có nhiều trong các loại ngũ cốc, rau đay, rau ngót…
Sắt: Biếng ăn, quấy khóc, khó ngủ, da xanh, môi không hồng, móng tay mềm, nhợt màu, hay ngứa, học kém, không tập trung… Trong các loại thực phẩm như gan, tim, bầu dục lợn, mề gà, lòng đỏ trứng gà, mộc nhĩ, nấm hương… chứa hàm lượng sắt rất lớn.
Kẽm: Biếng ăn, chậm cao, hay bị các bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy, ho, tóc khô, vết thương lâu lành... Thực phẩm giàu kẽm gồm: sò, lòng đỏ trứng gà, củ cải, đậu hà lan, đậu nành…
Vitamin K: Dễ bị xuất huyết, đặc biệt có thể gây xuất huyết não, màng não ở bé sơ sinh, chậm lớn, chậm mọc răng, xương giòn và xốp. Vitamin K có nhiều trong gan bò, quả bơ, các loại rau cải xoăn, rau dền, ngò gai (mùi tàu)…
Các triệu chứng thiếu vi chất đôi khi rất khó nhận biết. Cha mẹ đừng quá lo lắng rồi tự ý bổ sung cho bé, chỉ cần tuân thủ đúng lịch bổ sung các vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt…) theo chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng quốc gia. Việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng khi cần thiết với liều lượng phù hợp cơ thể của mỗi bé không phải là chuyện đơn giản, hãy để các bác sĩ quyết định giúp nhé!
BS.CK2 Nguyễn Thị Hoa
Trưởng khoa Dinh dưỡng – BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)