Vi chất là những chất dinh dưỡng rất nhỏ bé mà cơ thể không thể tự sinh ra hoặc tổng hợp, được đưa vào và tích lũy trong cơ thể qua thực phẩm ăn hằng ngày. Tuy nhu rất nhỏ nhưng vi chất dinh dưỡng lại có vai trò rất thiết yếu trong việc duy trì và nâng cao tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe.
Theo công bố của các tài liệu chuyên môn trên thế giới, hiện nay có 15 loại vi chất có mặt trong cơ thể con người và đã được nghiên cứu đầy đủ về hoạt tính, vai trò cũng như hàm lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Chúng tôi xin giới thiệu một số vi chất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của bé nhỏ, nhưng lại đang bị thiếu hụt với tỷ lệ cao hiện nay ở Việt Nam.
Sắt là một vi chất quan trọng trong cơ thể. Sắt cùng với các protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển O2 và CO2, tham gia quá trình tạo máu phòng chống bệnh thiếu máu và tham gia vào thành phần các men oxy hóa khử.
Sắt trong thực phẩm ở 2 dạng, sắt hem hoặc không hem. Dạng hem có trong các thức ăn nguồn gốc động vật, trừ trứng và sữa. Sắt hem có thể dễ dàng được hấp thu ở ruột, trong khi hấp thu sắt không hem phụ thuộc vào sự có mặt của một số chất làm tăng hay cản trở sự hấp thu sắt. Vitamin C, protein động vật và các acid hữu cơ trong hoa quả và rau có tác dụng làm tăng hấp thu chất sắt không hem. Các chất ức chế hấp thu sắt bao gồm có phytat trong gạo và các loại ngũ cốc và tanin trong một số loại rau, trà, cà phê. Sắt dự trữ liên kết với các ferritin và được sử dụng khi sắt từ khẩu phần không đủ. Khi sắt dự trữ này cạn kiệt sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu.
Kẽm là vi chất có vai trò quan trọng đối với chức năng tăng trưởng, miễn dịch, sinh sản của con người. Kẽm giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng và hình thành các tổ chức, giúp bé ăn ngon miệng và phát triển tốt. Nguồn cung cấp kẽm chủ yếu là các thức ăn nguồn gốc động vật. Khẩu phần ăn chủ yếu là ngũ cốc và các thực phẩm nguồn gốc thực vật và nếu ăn ít thịt, cá sẽ làm tăng nguy cơ thiếu kẽm.
Vitamin A là loại tan trong dầu, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Vitamin D (calciferol) gồm một nhóm seco-sterol tan trong chất béo, được tìm thấy rất ít trong thức ăn tự nhiên. Vitamin D được quang hợp trong da của động vật có xương sống nhờ tác động bức xạ B của tia tử ngoại. Vitamin D có thể có nhiều cấu trúc, tuy nhiên có 2 cấu trúc sinh lý chính là vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol). Vitamin D2 từ men nấm và sterol thực vật, ergosterol. Vitamin D3 được tổng hợp từ 7-dehydrocholesterol ở dưới da. Xét theo góc độ dinh dưỡng người, 2 loại này có giá trị sinh lý tương tự nhau. Vitamin D giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và phốtpho để hình thành và duy trì hệ xương, răng vững chắc.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm,
Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia