Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh việc ăn mặn ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch nhưng bên cạnh đó, một chế độ ăn quá nhạt cũng không hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Thói quen này là một sai lầm trong ăn uống nhiều người mắc phải.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chò, Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện 103, Học viện Quân y cho biết: Nếu ăn ít muối quá, cơ thể có thể bị mệt mỏi, chán ăn, dẫn tới suy giảm các chức năng của cơ quan trong cơ thể và suy giảm sức khỏe nếu để tình trạng đó diễn ra trong thời gian dài.
Trong cơ thể, muối đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì áp lực thẩm thấu, giữ cho cân bằng lượng nước bên trong, ngoài tế bào và trong lòng mạch máu.
Một chế độ ăn ít muối là khi lượng thức ăn, nước uống trong 24 giờ đưa vào cơ thể có tổng lượng NaCl dưới 2.400mg (tương đương với khoảng 1 thìa cà phê).
Ăn quá ít muối khiến lượng natri máu giảm gây hiện tượng phù chân do nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ.
Người bị cao huyết áp chỉ dùng 2-3 g muối/ngày và ăn hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều muối. Nên bỏ thói quen dùng thêm bát nước mắm trong bữa ăn, kể cả chấm rau luộc.
Người bị suy thận, suy tim phải thực hiện chế độ ăn nhạt tùy theo từng giai đoạn của bệnh; ở giai đoạn nặng phải ăn nhạt hoàn toàn, tức là không được sử dụng muối và mì chính, không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối.
Người từ 45 tuổi trở lên cũng nên ăn hạn chế muối. Chỉ cung cấp cho cơ thể lượng muối theo khuyến cáo.
Người béo cần kiểm soát lượng muối hấp thu hàng ngày vì nếu không sẽ dễ bị tăng huyết áp.
Trẻ em từ khi bắt đầu ăn bổ sung cũng nên tập thói quen ăn nhạt, khi nấu bột có thể không cần cho thêm muối, nhất là trong những trường hợp trộn thêm sữa bột, pho mát vào bột, cháo, vì bản thân muối trong thức ăn cũng đã đủ cho nhu cầu của trẻ.
Vân Anh (theo Dân trí)