Ở trẻ em, thiếu canxi làm trẻ bị yếu sức, chậm biết đi, ảnh hưởng đến chức năng chuyển máu của cơ tim, gây ra tình trạng tiêu hóa kém, chán ăn, đầy bụng, táo bón. Mặc dù canxi có vai trò quan trọng với cơ thể nhưng không có nghĩa cứ bổ sung càng nhiều thì càng tốt, nhiều canxi quá mức cũng sẽ làm xương trẻ cứng sớm và giảm khả năng phát triển chiều cao của trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ không có các dấu hiệu thừa hay thiếu canxi thì cách bổ sung tốt nhất là qua thực phẩm. Các loại thực phẩm giàu canxi là cua đồng, rạm tươi, tôm, tép, các loại ốc, cá tươi, sò đậu... Những thực phẩm này cung cấp canxi hữu cơ dễ hấp thu. Một số loại rau nhiều canxi như rau răm, mộc nhĩ, cần tây.
Muốn hấp thu canxi cần có vitamin D. Để có đủ vitamin D, cơ thể phải lấy từ thức ăn, ánh nắng mặt trời và uống bổ sung. Các loại thực phẩm giàu vitamin D gồm gan động vật, lòng đỏ trứng, cá hồi, pho mát, nấm...
Một số trường hợp hấp thu canxi kém cần phải bổ sung qua đường uống, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để bác sĩ tư vấn và đánh giá khẩu phần ăn của trẻ. Từ đó xác định trẻ có bất thường về canxi hoặc các vi chất khác hay không và chỉ định liều lượng phù hợp.
Phương Thanh