Bỏng nước sôi
Bỏng ở trẻ em, đứng đầu vẫn là bỏng do nước sôi. Bỏng nước sôi hay xảy ra ở các bé từ 1-4 tuổi. Hầu hết tai nạn xảy ra khi bé đang ở một mình, lúc người lớn bận rộn và rời mắt khỏi bé. Cha mẹ lại hay quên, thường để những vật chứa nước nóng trên bàn, dưới đất, trong tầm nhìn và tay với của bé, khi chúng với lấy nghịch, làm đổ nước sôi vào người.
Bỏng lửa
Bỏng lửa chỉ chiếm khoảng 1/5 các trường hợp nhập viện, nhưng lại là những ca nặng nhất do nhiệt độ gây bỏng cao hơn nhiều so với nước sôi. Bỏng lửa tới từ nhiều nguyên nhân như lửa xăng, lửa cồn, lửa ga, lửa bếp than, củi, lửa do cháy xe, cháy nhà… Bé bị bỏng lửa thường phải trải qua thời gian điều trị lâu dài, đau đớn với nhiều lần phẫu thuật, cấy ghép da và hậu quả phải mang nhiều di chứng nặng.
Bỏng do bàn ủi (bàn là), pô xe
Khi cha mẹ đang ủi quần áo, các bé chạy chơi xung quanh rất dễ bị bỏng bàn ủi. Lúc đó, thời điểm tai nạn xảy ra là khi cha mẹ rời tay khỏi bàn ủi để treo quần áo hay làm việc khác. Bé kéo bàn ủi xuống chơi hay chạy ngang, vướng dây, té ngã, làm bàn ủi tuột xuống, đè vào người, để lại hậu quả bỏng sâu nặng vùng ngực cổ.
Tai nạn bỏng pô xe máy xảy ra nhiều nhất khi bé vô ý chạm chân vào pô xe đang nóng trong lúc được chở đi bằng xe gắn máy, đi bộ vào các bãi giữ xe hoặc xe vừa đi về để tại nhà riêng. Vị trí thường gặp là ở vùng cẳng chân và bàn chân, để lại cho trẻ vết sẹo lâu dài.
Cách đề phòng tai nạn do bỏng cho các bé hiệu quả nhất là cha mẹ và những người trông coi trẻ để tâm, chú ý tới mọi sinh hoạt hằng ngày của bé và gia đình. Bất cứ hoạt động gì như nấu cơm, đun nước, ủi quần áo…hãy tự hỏi “Nếu bé...(tới, đến gần, chạy qua, nghịch…) thì sao?”, bằng cách đó bạn sẽ biết phải làm gì và bạn có thể loại bỏ phần lớn nguyên nhân gây tai nạn bỏng cho bé của mình.
ThS.BS Nguyễn Bảo Tường
Trưởng khoa Phỏng và Tạo hình, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)