Sốc phản vệ ở bé thường xảy ra tức thì ngay sau khi bé tiếp xúc với dị nguyên, thường trong vòng 30 phút nhưng có thể muộn hơn. Có rất nhiều tác nhân gây ra sốc phản vệ cho bé:
- Thuốc: gồm kháng sinh (Pénicilline, Ampicilline, Amoxicilline, Céphalosporine, Streptomycine, Gentamycine, Bactrim…), kháng huyết thanh (ngừa uốn ván, ngừa bạch hầu…), thuốc gây mê, gây tê, thuốc cản quang dùng trong X-quang, thuốc giảm đau, hạ sốt, các loại vitamin (vitamin B1, B12), một số loại dịch truyền như Dextran, Aminoplasma…, một số thuốc kháng viêm không Stéroides như Ibuprofen và một số loại vắc-xin trong tiêm chủng.
- Thức ăn: thịt bò, trứng, hải sản (tôm, cua, sò…)...
- Côn trùng đốt: ong, kiến...
Có 3 dạng lâm sàng thường gặp trong hiện tượng phản vệ là phản ứng phản vệ (thường gọi là dị ứng thuốc hay dị ứng thức ăn); sốc phản vệ; ngưng thở ngưng tim.
Sau khi tiếp xúc với dị nguyên (sau khi tiêm kháng sinh, tiêm vắc-xin, ăn hải sản, bị ong đốt…) trong vòng 30 phút hoặc có thể vài giờ, da bé đỏ lên, ngứa ngáy khó chịu, nổi mề đay, bé có cảm giác khác thường như mệt, khó thở, đau bụng, ói mửa, tiêu tiểu không tự chủ, tay chân lạnh, vã mồ hôi, mạch cổ tay nhanh nhẹ hoặc không bắt được, huyết áp giảm hoặc không đo được… cha mẹ cần thông báo ngay với nhân viên y tế (nếu đang ở tại cơ sở y tế) hoặc nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất (nếu đang ở nhà) để được xử trí kịp thời.
Để phòng ngừa sốc phản vệ, đặc biệt là khi đưa bé đi tiêm phòng, cha mẹ nên khai báo với nhân viên y tế về những lần bé bị phản vệ trước đó (nếu có) hoặc gia đình có người bị hen suyển, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn… Sau khi tiêm, cha mẹ nên cùng bé ở lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để theo dõi các phản ứng sau khi tiêm.
PGS.TS.Bùi Quốc Thắng
Phó Trưởng bộ môn Hồi sức Cấp cứu
Giảng viên chính bộ môn Nhi, ĐH Y Dược, TP. HCM