Điện giật xảy ra trong nhà thường do gia đình không chú ý đến vấn đề an toàn điện, thiết kế các ổ cắm điện hoặc để các vật dụng điện trong tầm tay bé, dây dẫn điện bị tróc, hở. Có trường hợp bé 1-2 tuổi đến tháo các bóng đèn điện nhỏ gắn ở bàn thờ ông địa và bị điện giật. Bên cạnh đó, vào các ngày lễ, tết hay nhà có đám tiệc, các gia đình thường treo các dây đèn nhấp nháy để trang trí, nếu không có sự quan tâm của cha mẹ thì các dây đèn này cũng trở thành mối nguy hiểm cho các bé.
Hậu quả khi bị điện giật
Tai nạn điện giật có thể làm bé tàn phế suốt đời. Bị phỏng điện nặng sẽ bị ngưng tim và tử vong. Đối với phỏng điện, chúng ta không thể đánh giá hết được mức độ thương tổn của nạn nhân khi chỉ nhìn bên ngoài. Có khi vết phỏng điện ở ngoài da nhỏ nhưng thương tổn của các mô bên dưới thì rất nặng nề, các mô như cơ, sụn, xương, thần kinh có thể bị hủy hoại hoàn toàn.
Phòng ngừa điện giật tại gia đình
Điều quan trọng trong đề phòng điện giật cho các bé là cha mẹ phải luôn chú ý tới hệ thống điện trong nhà từ ổ cắm, dây dẫn, bóng đèn cho tới các vật dụng trang trí, các đồ đạc có điện.
Trẻ con vốn tính tò mò, hiếu động, ham thích khám phá những điều mới lạ và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do bé chạm tay vào các thiết bị có điện. Đôi khi bé còn dùng tay, dao, kéo, que… chọc vào ổ điện.
Để phòng ngừa điện giật, mỗi gia đình cần phải:
- Thiết kế các ổ điện ngoài tầm với của các bé, hoặc che các ổ điện trong tầm với của bé bằng các vật liệu an toàn mà bé không thể cạy ra hay chọc thủng được.
- Không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện ngang tầm tay của bé hoặc không cho bé lại gần các khu vực này. Khi dùng xong cần thu các dây dẫn, dây cáp lại để đề phòng bé chạm vào.
- Thực hiện việc câu mắc và sử dụng điện một cách an toàn.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đảm bảo các thiết bị điện an toàn, không bị hở, mát
- Dạy cho các bé không được chọc vào các ổ điện, lại gần nơi có điện hoặc có đường điện chạy qua.
BS. Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam