Các bé rất hiếu động và thường bắt chước người lớn các việc mà chúng quan sát được hằng ngày. Ở góc độ xã hội, đó là những bước cần thiết giúp bé hòa nhập tốt với cuộc sống về sau. Song trong một số hành động bắt chước của bé lại tiềm ẩn một số nguy cơ. Xin đơn cử một tình huống mà chúng tôi từng chứng kiến với hy vọng cung cấp cho các mẹ một số thông tin hữu ích trong việc bảo vệ bé yêu luôn khỏe mạnh.
Để chuẩn bị cho chuyến đi chơi cuối tuần, chị H (quận 1, TP.HCM) sắm cho cậu con trai 4 tuổi một bộ đồ thật đẹp và nhiều đồ lỉnh kỉnh mang theo cho chuyến dã ngoại dự kiến sẽ khởi hành vào sáng thứ bảy. Sáng hôm đó, cậu bé một mực đòi tự mình mặc bộ đồ mà không cần sự giúp đỡ thường ngày của bố mẹ. Khi cậu lúi húi đóng dây kéo thì bất ngờ “của quý” bị kẹt vào giữa khiến bé khóc to và chảy máu. Cậu bé được đưa đến bệnh viện và bác sĩ phải gây tê để gỡ “của quý” ra khỏi dây kéo. Sự háo hức của bố mẹ và cậu bé về kỳ nghỉ cuối tuần như quả bóng xì hơi. Sự việc tưởng chừng chỉ dừng lại như thế, nhưng từ đó về sau, cậu bé không bao giờ dám mặc chiếc quần đó và cả những chiếc quần có dây kéo tương tự. Đó là một chấn thương tâm lý mà đáng ra không nên có.
Qua thực tế, chúng tôi từng chứng kiến nhiều tình huống có kết cục tương tự. Một số bà mẹ cố gắng lấy ra tại nhà, rất ít trường hợp thành công và nếu có thì rất nhiều trường hợp vết rách bộ phận sinh dục lan rộng, chảy máu nhiều và đều cần đến sự giúp đỡ của các bác sĩ. Thông qua một cuộc điều tra, chúng tôi nhận thấy rằng đa số các trường hợp là do các bé tự gây ra “thảm họa”, số còn lại là do bố mẹ quá hấp tấp khi đóng dây kéo cho con. Do vậy, chúng tôi khuyên các ông bố bà mẹ nên hướng dẫn bé cách sử dụng quần dây kéo và nếu có thể nên cho bé mặc quần lót thích hợp trước khi mặc quần dây kéo.
Theo BS Nguyễn Đức Tuấn
Khoa Ngoại, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)