Song hành với khái niệm cận thị là khái niệm giả cận thị. Giống như các thuật ngữ y khoa khác, giả cận thị không phải là bệnh lý mà là những rối loạn thoáng qua rất giống với cận thị.
Giả cận thị là gì?
Đó là sự chuyển thể tạm thời, không liên tục về mặt khúc xạ của con mắt sang tình trạng cận thị. Khi đó, ảnh của vật được nhìn sẽ hội tụ trước võng mạc (giống như trong cận thị) do sự co thắt thoáng qua của cơ thể mi, làm tăng công suất khúc xạ của mắt.
Những rối loạn này ở hai dạng: thực thể hay cơ năng. Thực thể là do hệ thần kinh phó giao cảm của bé bị kích động quá mức. Cơ năng là thị giác của bé mệt mỏi hay khó chịu nhất thời.
Đối với các bác sĩ chuyên khoa mắt, việc phân biệt cận thị thực sự hay giả cận thị không quá khó. Triệu chứng chủ yếu của hiện tượng này là bé gặp khó khăn khi ghi chép sau một thời gian dài làm việc trong cự ly gần (hay còn gọi là hiện tượng mệt mỏi thị giác). Thị lực của bé có thể cải thiện nhất thời nếu đeo kính cận.
Chẩn đoán phân biệt giả cận thị rất đơn giản. Các bác sĩ sẽ nhỏ thuốc liệt điều tiết, làm liệt cơ thể mi, giảm năng lực điều tiết, nếu mắt trở lại bình thường thì đó là giả cận thị.
Điều trị đơn giản
Trong thể giả cận thị thực thể do những nguyên nhân dùng thuốc liệt điều tiết quá lâu, chấn thương mắt, chấn thương sọ não, viêm thể mi… bé cần dừng việc dùng thuốc liệt thể mi và phải điều trị căn nguyên. Với thể cơ năng thì việc khắc phục chỉ đơn giản là làm việc điều độ trong điều kiện tối ưu cho mắt, giữ khoảng cách nhìn cho đúng, tập mắt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Cha mẹ có thể cho bé dùng một số thuốc thuộc dòng Vitamin, thực phẩm chức năng để giúp đôi mắt đỡ mệt mỏi khi làm việc với cường độ cao, chống thoái hoá và lão hoá cơ quan thị giác. Các thuốc nhỏ mắt có thành phần làm êm dịu mắt, chống khô, ngứa mắt và sát trùng nhẹ, dùng để hỗ trợ cho mắt mệt mỏi cũng có rất nhiều.
Các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyên rằng khi mỏi mắt hoặc sau khi làm việc bằng mắt một giờ, mắt cần nghỉ ngơi 5-10 phút. Khi đó, bé có thể nhắm mắt, nhìn ra xa hoặc mát-xa xung quanh mắt. Đừng quên là mắt cũng như bất kỳ cơ quan nào, cũng có quyền mệt mỏi khi làm việc quá nhiều.
ThS.BS. Nguyễn Văn Huy
Khoa Mắt trẻ em – BV Mắt Trung ương