Các tật khúc xạ học đường

 8/15/2020 |  Admin   1470 lượt xem

(nuoitre.com) - Tật khúc xạ không phải là bệnh mới lạ nhưng vì biểu hiện của bệnh thường đến từ từ, bé lại hay giấu bệnh, không chịu đeo kính hoặc đeo kính không đúng số nên bệnh có thể tiến triển nhanh. Có những trường hợp cha mẹ không để ý nên không nhận thấy bé mắc bệnh, khi phát hiện ra thì bé đã bị nhược thị, bong võng mạc, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn.

Đừng chủ quan với các biểu hiện lạ

Các tật khúc xạ học đường

 


Cận thị: Chiếm 2/3 trường hợp bé trong độ tuổi đến trường bị tật khúc xạ. Khi bị cận thị, bé nhìn xa thì mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ. Đó là do sự mất bình quân hài hòa giữa chiều dài trục nhãn cầu và lực quang học của mắt nên ảnh của vật rơi trước võng mạc của mắt. Cận thị ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, khả năng tiếp nhận và cảm nhận cuộc sống bằng thị giác; nếu để bệnh biến chứng nặng, bé có thể bị thoái hóa võng mạc, bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Vì vậy, khi thấy bé có dấu hiệu nhìn gần khi đọc sách, xem ti vi, máy tính; xem chữ trên bảng phải nheo mắt, nghiêng đầu; đọc viết chậm…; cha mẹ cần cho bé đi khám để được đeo kính chỉnh thị lực phù hợp.

Viễn thị: Là khi nhìn xa rõ hơn nhìn gần. Bệnh thường gặp ở tuổi bắt đầu học cấp 1. Viễn thị thường gây nhược thị và có thể là yếu tố gây ra lác điều tiết nên cần phải được phát hiện và điều trị sớm. Bé bị viễn thị thường bị nhức mỏi mắt, nhức đầu nếu nhìn, đọc sách gần hoặc bị đỏ mắt nếu cố gắng nhìn lâu.

Loạn thị: Những bé bị loạn thị thì khi nhìn xa hay gần đều rất mờ. Loạn thị thường xuất hiện lúc mới sinh và có thể xảy ra kết hợp với cận thị hoặc viễn thị. Khi bé kêu mỏi mắt, hay dụi mắt, nheo mắt hoặc thường nhìn nhầm dòng, nhầm chữ, đọc nhầm (chữ H đọc thành chữ N…), có thể bé đã bị loạn thị.

Lệch khúc xạ: Là hiện tượng hai mắt bé có sự khác nhau về khúc xạ, có thể là một mắt bị cận còn mắt kia viễn hoặc cả hai mắt cùng cận, cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ. Đôi khi, một bên mắt bé bình thường còn mắt kia bị cận, viễn hoặc loạn thị. Nếu tình trạng khúc xạ giữa 2 mắt bé chênh lệch nhau quá lớn sẽ gây rối loạn chức năng thị giác và gây ra các biến chứng như nhược thị, lác…, trong đó, nhược thị là hậu quả nặng nề hay gặp nhất nếu lệch khúc xạ cao không được điều trị.

Để bảo vệ đôi mắt bé yêu
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy, để bảo vệ đôi mắt cho bé yêu, cha mẹ hãy:
- Hướng dẫn bé ngồi học thẳng lưng, mắt cách mặt chữ 30cm; phòng học đủ ánh sáng, bàn ghế đúng tiêu chuẩn theo từng cấp học, đèn để phía đối diện với tay cầm bút.
- Cho bé xem ti vi ở khoảng cách ít nhất 2 m.
- Hạn chế cho bé dùng máy vi tính, nếu có dùng nên để màn hình máy tính cách mắt ít nhất 50cm và điều chỉnh độ lóe thấp nhất.
- Không nên cho bé đọc sách, xem ti vi, chơi điện tử quá 2 giờ liên tục.
- Khuyến khích bé nên nghỉ ngơi mắt sau khi đọc sách hoặc xem ti vi sau mỗi 30-40 phút.
- Bố trí thời gian học tập và giải trí cho bé hợp lý, lưu ý dành thêm nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời của bé.
 
ThS. BS. Trần Thu Hà
Khoa Mắt trẻ em – BV Mắt Trung ương

liên quan

Bệnh giả cận thị ở bé  1525

 8/15/2020  | 

Một số bé có biểu hiện mắt nhìn kém, nhức mỏi mắt sau đợt thi cử hoặc khi mắt làm việc nhiều. Cha mẹ cho rằng bé đã bị cận thị, thực sự không phải vậy.

Xem chi tiết 

Nhược thị  1407

 8/15/2020  | 

Hiện nay, tỷ lệ người mắc nhược thị ở Việt Nam ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng hơn nữa, nhất là ở trẻ em.

Xem chi tiết 

Phát hiện sớm lác ở bé  643

 8/15/2020  | 

Lác không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn là tác nhân làm giảm thị lực của bé.

Xem chi tiết 
Like Fanpage Để Ủng Hộ Chúng Tôi Duy Trì Website