Hè năm ngoái, chị Mai (quận 7, TP.HCM) thường xuyên cho con gái chị, bé Cún, 5 tuổi đi tập bơi. Sau mỗi lần bơi, chị đều lấy tăm bông ngoáy tai cho bé để thấm hết nước. Cứ đinh ninh làm thế là đúng nên chị Mai rất ngạc nhiên khi mấy ngày sau, bé Cún lại kêu đau, ù tai, khó nghe. Vội vàng đưa con đi khám, chị mới ngã ngửa khi biết con bị viêm tai và nguyên nhân có thể vì cách vệ sinh tai không đúng. Bác sĩ cho chị biết, khi dùng tăm bông lau chùi và ngoáy sâu vào trong tai, các vi khuẩn, bụi bẩn có trong nước hồ bơi có thể nhờ đó mà càng dễ đi sâu vào trong. Hơn nữa, việc này có thể khiến bên trong tai bị rách, trầy xước, làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn.
Thầy thuốc ưu tú, ThS.BSCK2 Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, có rất nhiều trường hợp như bé Cún. Sau khi đi bơi, nếu không được vệ sinh tai sạch sẽ, nước đọng cùng vi khuẩn rất dễ dẫn đến bệnh viêm tai như vậy. Bởi vậy, khi cho bé đi bơi, cha mẹ nên lưu ý:
- Cho bé nghiêng đầu, kéo vành tai ra sau để nước đọng trong tai chảy ra ngoài, sau đó dùng tăm bông lau nhẹ bên ngoài cho hết nước, bụi bẩn.
- Không nên cho bé đi bơi, tắm biển, tắm sông ở nơi nước bị ô nhiễm hoặc quá đông người. Các hồ bơi dùng quá nhiều hóa chất làm sạch rất nguy hại cho sức khỏe của bé. Những hóa chất này sẽ kích thích, gây viêm tai, mũi họng. Tốt nhất, hãy bảo vệ tai cho bé bằng cách dùng chụp tai hoặc nút lỗ tai khi xuống nước.
- Nên rửa sạch tay trước khi vệ sinh tai cho bé.
- Nên dùng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% để làm sạch mũi cho bé, bởi viêm mũi họng rất dễ dẫn đến viêm tai.
- Khi thấy bé có những biểu hiện như nghe không rõ, sổ mũi với nhiều nước mũi xanh, đau tai, ù tai…, cha mẹ nên đưa bé đi khám. Không nên tự dùng thuốc kháng sinh điều trị cho bé, vì viêm tai là bệnh cần dùng thuốc toàn thân và thuốc tại chỗ.
Chúc các bé có những ngày hè thật khỏe, vui và bổ ích!
Thanh Tâm