Tai người có hai chức năng quan trọng. Chức năng đầu tiên và được biết nhiều nhất là nghe. Khả năng nghe hoạt động nhờ vào hệ thống thính giác. Hệ thống thính giác bao gồm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Chức năng thứ 2 của tai là giữ thăng bằng cho cơ thể. Khi chúng ta thay đổi chuyển động trong không gian, hệ thống tiền đình ảnh hưởng tới sự chuyển động của mắt và vị trí cơ thể.
Tai ngoài
Tai ngoài gồm có 2 bộ phận là vành tai, ống tai và kết thúc ở màng nhĩ.
- Vành tai là nơi nhận các sóng âm thanh từ môi trường.
- Ống tai cong giống như hình chữ S. Phần phía ngoài của ống tai có chứa các sợi lông nhỏ, các tuyến nhờn tạo ráy tai. Ống tai có cơ chế tự làm sạch. Các sợi lông mềm chuyển động nhẹ nhàng liên tục đẩy ráy tai khô và da bong ra cửa tai.
- Màng nhĩ có hình bầu dục, hơi lồi và nghiêng một góc 30 độ so với đáy ống tai. Ở trẻ em, màng nhĩ mỏng, có độ đàn hồi và trở nên dày hơn, cứng hơn khi trưởng thành.
Tai giữa
Tai giữa nằm trên xương thái dương. Tai giữa thực chất là một cái thùng kín được thông với khoang mũi và họng. Đây cũng chính là lý do tại sao bé bị viêm mũi họng thường dễ dẫn đến viêm tai giữa. Nếu tình trạng viêm nhiễm này không được điểu trị dứt điểm sẽ dẫn đến việc bé bị điếc. Bệnh viêm mũi họng cũng là một “sát thủ” âm thầm gây điếc ở các bé.
Tai trong
Tai trong là “đại bản doanh” của hệ thống tiền đình, giúp chúng ta định hướng, giữ thằng bằng.
Các viêm nhiễm tai có thể ảnh hưởng không tốt tới màng nhĩ và các xương tai. Sự sút kém của dây thần kinh thính giác làm cho khả năng nghe kém đi. Do đó, hãy biết chăm sóc và bảo vệ cho đôi tai của bé để chúng luôn hoạt động tốt, các bạn nhé!
BS Đặng Hoàng Sơn
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM)