Để khắc phục khó khăn này, cha mẹ cần lưu ý:
1. Chỉ nên cho bé uống thuốc khi thật sự cần thiết và theo đúng toa của bác sĩ.
2. Báo với bác sĩ “khẩu vị” của bé (thích chua, ngọt, mùi vị…) để bác sĩ kê toa cho bé những loại thuốc có vị mà bé thích. Như vậy, bé sẽ chấp nhận dễ dàng hơn.
3. Cho bé uống thuốc từ từ, từng chút một. Nếu bé nôn ra thì nên cho bé uống lại ngay sau đó. Đối với những bé còn ẵm ngửa, cha mẹ nên cho bé uống thuốc bằng xylanh, bơm từng chút một để bé nuốt dần. Khi bé lớn hơn, có thể dỗ bé uống thuốc bằng cách cho bé một muỗng (thìa) thuốc kèm theo một muỗng thức ăn mà bé thích (như sữa chua, trái cây, nước lọc…). Nếu bé đã biết nghe lời, cha mẹ có thể giải thích: “Con cố uống thuốc để mau khỏe lại, không còn mệt nữa…”. Đặc biệt, có bé rất thích bắt chước người lớn, vì vậy, cha mẹ nên làm ra vẻ đang cùng uống thuốc với bé.
4. Hoan hô tán thưởng bé sau mỗi muỗng thuốc uống thành công.
5. Nên cho bé uống thuốc cách xa bữa ăn. Vì nếu bé nôn sẽ bị ra hết tất cả phần thức ăn đã ăn vào trước đó.
6. Không pha thuốc vào trong sữa, thức ăn để lừa bé, tránh trường hợp bé sợ thuốc sẽ sợ luôn thức ăn, sữa…
7. Những bé còn quá nhỏ chỉ có thể uống các loại thuốc ở dạng bột, sirô hoặc viên sủi. Do đó, cha mẹ nên tán nhuyễn thuốc trước khi cho bé uống để bé không bị sặc.
Tuy vậy, cũng có một số bé rất khó nạp thuốc bằng đường uống, bé luôn nôn ra bất kì loại thuốc nào. Cha mẹ nên cho bác sĩ biết để tìm giải pháp khác, như thuốc nhét hậu môn hay thuốc tiêm.
Mỗi bé sẽ có cách uống thuốc khác nhau và chỉ có những người chăm sóc, kề cận bé nhiều nhất mới biết được cách nào là tối ưu với bé.
BS.CK1 Nguyễn Thùy Trang
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM