Mẹ cần làm gì?
Nôn trớ đơn thuần thường liên quan đến ăn uống, hay gặp ở các bé do bị ép ăn quá nhiều, bú quá no, nằm ngay sau khi ăn, không dung nạp thức ăn hay bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ, hoặc ăn quá nhiều một loại thức ăn nào đó. Do vậy, để bé không bị nôn, cha mẹ chỉ cần điều chỉnh cách cho bé ăn.
- Không ép bé ăn nhiều, làm bé sợ khi nhìn thấy thức ăn.
- Khi cho bé thử một loại thức ăn mới, nên cho bé ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Ở những bé bú mẹ, sau khi bú xong nên bế bé 10 - 15 phút rồi mới đặt bé nằm.
- Khi cho bé bú bình, mẹ lưu ý chỉnh bình sao cho sữa ngập núm vú bình để bé không nuốt không khí vào dạ dày.
Khi nào nên đưa bé đến bác sĩ?
Nếu bé nôn trớ quá nhiều, cha mẹ hãy cho bé đi khám bác sĩ để được sử dụng thuốc chống nôn trớ theo chỉ định. Trường hợp bé nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý mà kèm các triệu chứng như: sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, nôn ói liên tục; có dấu hiệu mất nước: miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít,... cha mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Nếu bé bị sặc, đừng cố lấy tay móc thức ăn hay chất nôn ra mà nên làm nghiệm pháp Heimlich để lấy thức ăn. Sau khi tống chất nôn ói ra, nếu bé còn mệt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh
Trưởng khoa Dịch vụ 1, BV Nhi Đồng 2, TP.HCM