"Tiêu chuẩn vàng" cho thuốc chống hăm
Một loại kem, thuốc chống hăm bảo đảm an toàn và không làm hại da bé phải đáp ứng được những tiêu chuẩn vàng do các chuyên gia da liễu nhi khoa quy định:
An toàn: Nguy cơ thẩm thấu và nhiễm độc các hoạt chất sử dụng cho thuốc bôi ngoài da ở bé sơ sinh cao hơn người lớn. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo chỉ sử dụng những dược chất an toàn nhất, không nên dùng bất kỳ một dược chất không cần thiết nào trong công thức thuốc bôi ngoài da.
Dạng bào chế là thuốc mỡ được ưu tiên khuyến cáo sử dụng hơn so với dạng nước, dạng kem vì chúng có hiệu quả bảo vệ da tốt nhất. Công thức của thuốc kem, thuốc nước thường được bổ sung tá dược có khả năng gây kích thích, dị ứng, gây độc. Trong khi đó, thuốc mỡ với tỉ lệ dầu cao hơn nước có thể giữ được lâu mà không cần hóa chất bảo quản. Điểm này rất quan trọng vì những chất tạo mùi thơm và một số hóa chất bảo quản là nguyên nhân thông thường của các dị ứng.
Dễ bôi, dễ rửa vì lực cọ sát khi bôi thuốc hay khi rửa có thể khiến da bị tổn thương, dẫn đến hăm tã.
Sử dụng an toàn và hiệu quả
Dạng thuốc mỡ chống hăm có thể dùng thường xuyên vì chúng có thể tạo một lớp màng bảo vệ da bé tránh tiếp xúc với phân và nước tiểu – là những tác nhân gây hăm tã. Ngoài ra, dạng này còn có thể dùng để phòng và điều trị các vết hăm ở cổ, nách, các nếp gấp ở da. Nếu thuốc có Lanolin trong thành phần, có thể dùng để chống nứt nẻ môi, má cho bé trong mùa khô lạnh.
Dạng thuốc kem có chứa kháng sinh hoặc chất kháng nấm chỉ dùng khi vết hăm đã bị nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm và trong thời gian nhất định theo chỉ định của bác sĩ. Dạng này không dùng để phòng ngừa hăm tã được vì nó không tạo được lớp màng bảo vệ cho da. Thuốc kem có chứa corticoid chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ và không dùng quá 7 ngày. Corticoid được xếp vào nhóm thuốc độc B, có ảnh hưởng đến tuyến thượng thận của bé.
CĐ Cha mẹ và con 6