Khi bé chán ăn
Giai đoạn giữa 12 - 18 tháng tuổi, do bé thường chú ý đến việc tập đi và tính độc lập nên có thể dẫn đến cảm giác chán ăn. Nhưng không vì thế mà bạn bù bằng các bữa ăn vặt. Bạn đừng quá lo lắng ép bé ăn thật nhiều nếu cân nặng và chiều cao của bé vẫn nằm trong giới hạn cho phép của biểu đồ tăng trưởng. Nếu bé biếng ăn kèm theo sự tăng trưởng chậm, bé gầy ốm hay từ chối mọi thức ăn, bạn nên đưa bé đến bác sĩ khám.
Khi bé không ăn những món mới
Giai đoạn từ 5 - 7 tuổi, đa phần bé đều sợ khi phải nếm những món ăn mới lạ. Tình trạng này có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm sau đó. Vì thế, nếu bé từ chối một món ăn nào đó, bạn không nên bỏ qua luôn mà thay vào đó cần thường xuyên chế biến món ăn theo nhiều hình thức khác nhau. Sớm muộn gì bé cũng sẽ chấp nhận và thích món ăn mới. Ngoài ra, bạn có thể cho bé cùng tham gia việc chuẩn bị món ăn hằng ngày với bạn bằng cách giao cho bé làm những công việc đơn giản như xếp trái cây lên đĩa, lấy thức ăn trong tủ…
Khi bé thích ăn nhiều đồ ngọt
Ngay cả với răng sữa, bệnh sâu răng cũng không loại trừ. Nếu phải nhổ bỏ, răng sữa sẽ không còn ở vị trí phải có để định hướng cho răng cố định mọc đúng vị trí sau này. Hơn thế, bé cũng cần có hàm răng chắc khỏe để nhai và phát âm đúng. Vì thế, bạn cần có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu:
- Hạn chế cho bé ăn thức ăn ngọt như bánh, kẹo, nước giải khát.
- Không cho bé đi ngủ với bình đựng nước trong giường.
- Nên cho bé ăn thêm phô mai để bổ sung canxi, phốt pho giúp cho răng chắc khỏe.
- Dạy bé chải răng kỹ sau mỗi bữa ăn.
Khi bé thích tự rửa tay
Bạn hãy chấp nhận ngay yêu cầu này của bé và tận dụng cơ hội này để dạy cho bé biết cách thoa xà bông, xả nước rửa tay, lau khô tay… Với bé, vệ sinh là một khái niệm mang tính trừu tượng. Bé có khuynh hướng thích tắm để tha hồ vui đùa với nước, nhưng lại không muốn thoa xà bông và kỳ cọ lên người. Vì thế, để cho bé tự rửa tay sẽ giúp bé quên những điều khó chịu này đi. Ngoài ra, bạn cần ở bên cạnh để nhắc nhở bé và kín đáo làm tiếp những phần còn lại. Khi bé lên 6 tuổi, bé có thể tự tắm một mình theo những cách mà bạn đã hướng dẫn cho bé như trước đây.
Khi bé tỏ vẻ kích động, khó ngủ
Bé mệt mỏi thường sinh hoạt chậm lại, bé thường bám theo cha mẹ hoặc thu mình trong một góc nhà, giụi mắt, ngáp hoặc đôi khi rùng mình. Ngoài ra, sự mệt mỏi còn thể hiện qua sự kích động cao độ tương ứng với sự biến đổi nhịp sinh học bình thường, chẳng hạn như vào những ngày đầu tiên đi học, có thêm em bé, xung đột trong gia đình, thay đổi chỗ ở… dẫn đến trí óc của bé bị quá tải, mất khả năng tự chủ, dễ kích động, la hét, khóc lóc. Để giúp bé tìm lại được giấc ngủ êm ái, bạn cần có một chương trình sinh hoạt phù hợp như: Cho bé có thời gian vận động thể chất như dạo công viên, tập xe đạp… Sau đó, cho bé thư giãn bằng cách tắm, chơi đùa, ăn cơm, đọc sách.
Thùy Như