Giấc ngủ có hai 2 tác dụng sinh lý chính:
Giúp hệ thần kinh làm việc
Giấc ngủ giúp bảo vệ vỏ não, do đó, giúp cơ thể phục hồi sức khoẻ. Bé bị thiếu ngủ thường bị giảm chức năng tâm trí, thậm chí có hành vi bất thường. Mất ngủ kéo dài, bé thường mệt mỏi, uể oải, tư duy chậm chạp, hay cáu gắt, các bé nhỏ hơn thường hay quấy khóc. Nếu mất ngủ kéo dài, bé có thể rối loạn tâm thần. Vì vậy, giấc ngủ rất quan trọng trong sự phục hồi mức độ hoạt động thần kinh tâm thần bình thường, đồng thời phục hồi cân bằng giữa các phần của hệ thần kinh trung ương.
Giúp các cơ quan và cơ thể hoạt động
Khi ngủ, phần lớn các giác quan đều ngừng hoạt động hoặc hoạt động ở mức độ thấp. Các cơ quan đều ngừng hoặc giảm hoạt động chức năng, chỉ hoạt động ở mức sinh lý cơ sở: tim còn đập nhưng chậm, huyết áp giảm, giãn mạch da, phổi thở chậm, sâu, cơ xương thư giãn... Trong giấc ngủ, quá trình đồng hoá chiếm ưu thế, nhờ đó tăng cường thu nạp các chất vào cơ thể nói chung và vào não nói riêng, nhờ đó khôi phục và tăng cường sức khoẻ bị hao tổn lúc thức và lúc hoạt động.
Trẻ em là cơ thể đang lớn nên cần có giấc ngủ dài, ngủ đủ và ngủ sâu. Các bé bị thiếu ngủ sẽ gầy yếu, chậm lớn. Do vậy, trong thực tế thường gặp bé thiếu ngủ là những bé suy dinh dưỡng. Cha mẹ nên quan tâm đến chất lượng giấc ngủ cho bé để bảo vệ và cải thiện sức khoẻ cho thế hệ tương lai của chúng ta.
BS. Nguyễn Thị Phong
Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương