Tuyến hung là gì?
Tuyến hung nằm ở phía sau xương ức và còn được gọi là tuyến ức. Bạch cầu lympho T non chưa có chức năng miễn dịch, khi tới tuyến hung, những bạch cầu này mới dần trưởng thành và có khả năng giúp cơ thể chống lại những tác nhân gây bệnh. Những bé không có tuyến hung thì bạch cầu lympho T bị mất chức năng, dẫn đến tình trạng bé bị suy giảm miễn dịch, dễ tử vong do nhiễm khuẩn và do không có sức đề kháng. Như vậy, bình thường tuyến hung rất cần thiết cho cơ thể của bé.
Phát hiện tuyến hung to bằng cách nào?
Tuyến hung to đơn thuần còn được gọi là quá sản tuyến hung, nghĩa là tuyến hung chỉ to đơn thuần về kích thước, trọng lượng nhưng cấu trúc tế bào lành tính bình thường. Khi cấu trúc tế bào bất thường gọi là u tuyến hung.
Tuyến hung to hay gặp ở những bé nào?
Giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ, bé dễ bị tuyến hung to. Khi bé lớn lên, tuyến hung dần nhỏ lại, đa số bé 2 tuổi đã có kích thước tuyến hung bình thường. Khi cơ thể bé bị stress nặng như bỏng, nhiễm trùng nặng, phẫu thuật…, tuyến hung có thể nhỏ đi nhưng sau điều trị hết bệnh, tuyến hung lại to trở lại.
Ảnh hưởng đến sức khỏe của bé
Những bé có tuyến hung to thường có biểu hiện nhiều mồ hôi, hay bị viêm đường hô hấp, hay ốm vặt. Tuy nhiên, bé thường không có triệu chứng điển hình và được phát hiện ngẫu nhiên khi chụp Xquang phổi.
Tuyến hung to, nên xử trí thế nào?
Tuyến hung to sẽ nhỏ dần khi bé lớn. Còn nếu phải điều trị, bé sẽ được chỉ định dùng thuốc làm nhỏ kích thước tuyến hung. Nếu tuyến hung không nhỏ lại do các nguyên nhân như khối u tuyến hung, bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT hoặc MRI để xác định chính xác vị trí, kích thước của khối u và xem khối u có đồng nhất hay không để có hướng điều trị.
BS.CK1 Phạm Thị Thục
Nguyên trưởng phòng khám Nhi – BV Bạch Mai