BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hậu, trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết: bé được coi là béo phì khi cân nặng hơn trọng lượng lý tưởng khoảng 20%. Bé bị béo phì thường phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Về thể chất
Bé có nguy cơ cao về các vấn đề sức khỏe cả khi còn nhỏ cũng như trong giai đoạn trưởng thành sau này như rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, một số bệnh ung thư, bệnh gan và các bệnh về xương khớp… Đây là những bệnh khó chữa và dễ dẫn đến tử vong. Ngoài ra, bị béo phì, bé sẽ không phát triển hết tiềm năng về chiều cao.
Về tâm lý – xã hội
Bé quá béo thường bị ảnh hưởng tâm lý vì thái độ của mọi người xung quanh. Khi bị bạn bè cùng trang lứa trêu chọc, bé sẽ tự ti, cô độc, thậm chí có hiện tượng thoái lùi về tâm lý, coi thường bản thân. Các tổn thương tâm lý này có thể kéo dài đến khi trưởng thành, dẫn đến thụ động, thu mình, khó hòa nhập và ít thành đạt.
Theo BS Thu Hậu, mẹ cần cho bé một chế độ ăn uống hợp lý, nhiều rau xanh, hạn chế chất béo nhưng không cắt bớt chế độ sữa của bé và tăng cường cho bé vận động... là nguyên tắc chung để phòng béo phì. Với những bé phải điều trị bệnh béo phì thì mục tiêu chính là giảm tốc độ tăng cân nhanh hoặc duy trì cân nặng hiện tại; tránh tăng cân thêm trong một thời gian nhất định. Do vậy, “ăn ít lại” sẽ là một yếu tố quan trọng, cần sự hợp tác, quyết tâm lâu dài của cả bé và gia đình. Ngoài ra, mẹ không nên cho bé sử dụng thuốc giảm cân khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Châu Bội