Trướng bụng đầy hơi có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau.
Trào ngược dạ dày thực quản: Hơi bị tống xuất theo chiều ngược so với bình thường nên bé hay bị trướng bụng, ợ hơi, dễ nôn ói. Cha mẹ nên đưa bé đi khám sớm để bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, giúp bé tăng cân tốt, phát triển bình thường. Phương pháp điều trị thông thường là để bé nằm đầu hơi cao hơn, nằm nghiêng, tránh hít sặc nếu bé bị nôn, cho bé uống thuốc điều trị triệu chứng.
Trục trặc về vấn đề ăn uống: Những bé được cho ăn dặm bột, cháo quá sớm nên tinh bột, glycoprotein không được tiêu hóa tốt trong một hệ tiêu hóa còn non nớt làm sinh ứ hơi nhiều trong ruột, gây trướng bụng, rất khó chịu và hậu quả về lâu dài là bé sẽ chậm tăng cân, hay bị bệnh về đường tiêu hóa. Ngoài ra, một số loại thực phẩm họ đậu, đường fructose, sorbitol trong trái cây cũng gây sinh hơi nhiều nên khi sử dụng dạng thực phẩm này sẽ có một số bé bị trướng bụng đầy hơi. Trường hợp này, nên đưa bé đến bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn thích hợp.
Tiêu chảy nhiều và kéo dài: Nguyên nhân là do bé bị mất điện giải nhiều qua phân (điển hình là kali) sẽ gây trướng bụng, dẫn đến chèn ép cơ hoành, gây ói nhiều và mất điện giải, làm cho bụng lại trướng lên hơn. Để điều trị, cần bổ sung điện giải đúng và đầy đủ thì bé sẽ hết bệnh.
Táo bón lâu ngày: gây ứ phân nên vi trùng sẽ sinh hơi trong đại tràng làm bụng bé hay bị trướng. Cần đưa bé đến bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp để tránh nguy hiểm.
Bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột cũng gây bụng căng trướng. Biện pháp phòng ngừa là cần cho bé xổ giun định kỳ 6 tháng/lần.
Những bệnh mãn tính về đường ruột (như hội chứng đại tràng kích thích, bệnh giảm nhu động ruột) làm hơi chứa lâu trong ruột gây trướng. Phình đại tràng bẩm sinh cũng là một bệnh làm cho bụng của bé trướng to. Cần khẩn cấp đưa bé đến bệnh viện.
Bất dung nạp đường lactose, tinh bột: Bé có tình trạng này thì khi ăn thực phẩm có các thành phần này sẽ sinh hơi nhiều dây trướng bụng.
Những nguyên nhân gây trướng bụng cấp tính (viêm ruột thừa cấp tính, lồng ruột, tắc ruột) cần đưa bé đến bệnh viện sớm để can thiệp kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Sẽ rất khó cho cha mẹ xác định bé bị trướng bụng đầy hơi là do bệnh gì, do vậy khi bé có những dấu hiệu trên, cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ sớm.
BS.CK1 Nguyễn Thùy Trang
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM