Ảnh minh họa.
Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản. Là cơ quan đầu ngoài cùng tiếp xúc với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều do đường hô hấp trên “gánh chịu” (bụi, lạnh, nóng, hơi độc, vi-rút, vi khuẩn, nấm mốc…). Bởi thế, tỷ lệ bệnh mắc đường hô hấp trên chiếm phần lớn so với các bệnh về hô hấp khác. Bệnh xuất hiện theo mùa, nhất là mùa đông, mùa hanh khô, trùng với mùa của bệnh hen, viêm phế quản mạn, viêm phổi. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu vẫn là trẻ em.
VĐHHT không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Mặc dù có nhiều bệnh đơn lẻ khác nhau nhưng chúng đều có một số biểu hiện chung rất dễ nhận thấy như: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp… Thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt.
Theo BS Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM, điều quan trọng nhất trong lâm sàng hô hấp không phải là phát hiện chính xác nguyên nhân gây bệnh mà là thẩm định được những biến chứng có thể xảy ra để có phương án dự phòng tốt. VĐHHT đa phần là những bệnh có mức độ trung bình nhưng chúng có thể nặng lên ở những đối tượng mẫn cảm như các bé hoặc người già, gây nên những biến chứng nghiêm trọng.
Trong trường hợp căn nguyên do vi khuẩn thì ít khi vi khuẩn gây bệnh một mình mà chúng thường được khởi phát bằng sự nhiễm và gây viêm của một loại vi-rút trước đó. Tỷ lệ cao thuộc về liên cầu khuẩn tan máu nhóm A. Đây là vi khuẩn hàng đầu gây biến chứng viêm cầu thận cấp ở bé từ một viêm họng thông thường.
Ảnh minh họa.
VĐHHT cũng có thể dẫn đến viêm đường hô hấp dưới nếu không được xử trí đúng. Do đó, với một bệnh hết sức thông thường như cảm lạnh trong mùa đông có thể đưa đến viêm phổi, V.A mạn tính. VĐHHT thể nặng, thể do vi khuẩn dễ gây ra những biến chứng cơ thể khác như viêm não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp.... VĐHHT cấp tính cũng là căn nguyên của bệnh viêm tai giữa cấp, gây thủng màng nhĩ, giảm thính lực hoặc nặng có thể gây biến chứng nội sọ do viêm tai...
Đặc biệt, cha mẹ cần đề phòng không để VĐHHT đồng nhiễm với đường hô hấp dưới và chúng tự làm nặng lẫn nhau, dễ dẫn đến tử vong.
Dự phòng là “phương thuốc đặc trị” nhất của bệnh VĐHHT. “Luôn luôn giữ ấm cho bé vào mùa lạnh và giữ gìn vệ sinh môi trường sống cho bé luôn trong lành để vi khuẩn, vi-rút gây bệnh VĐHHT không có cơ hội tấn công bé. Trong trường hợp thấy bé có các biểu hiện của VĐHHT, cha mẹ cần đưa bé đi khám ngay để hạn chế những tiến triển bệnh hay những biến chứng không đáng có xảy ra”, BS Đỗ Hồng Ngọc khuyến cáo.
An Nhiên