Bệnh cảm cúm xảy ra quanh năm nhưng gặp nhiều nhất từ đầu mùa thu đến cuối mùa xuân. Đây là thời điểm vi-rút gây bệnh phát triển mạnh. Giao mùa là thời điểm bé dễ bị cảm cúm nhất do thay đổi nhiệt độ môi trường, dùng quạt điện, điều hòa, mưa giông…
Bác sĩ Cù Thị Minh Hiền, Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết: Cảm lạnh thông thường là bệnh viêm đường hô hấp trên do vi-rút gây nên và rất dễ lây. Những triệu chứng đầu tiên của cảm lạnh thường là:
- Ngứa họng, sổ mũi, ngạt mũi và hắt hơi, sau đó là sưng họng, ho, đau đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức cơ và chán ăn.
- Nước mũi của bé sẽ chuyển từ dạng lỏng sang đặc quánh và có màu vàng hoặc xanh.
Ảnh minh họa.
Khi bé có dấu hiệu cảm lạnh, cha mẹ cần cho bé uống nhiều nước để giảm bớt tắc nghẽn, thải độc tố khỏi cơ thể, sử dụng nước muối sinh lý để giảm ngạt mũi cho bé. Theo bác sĩ Hiền, cảm lạnh không phải là bệnh nguy hiểm với bé nhưng cha mẹ không nên chủ quan vì bệnh có nguy cơ biến chứng thành nhiễm trùng đường hô hấp.
Bác sĩ Cù Thị Minh Hiền cũng cho biết, cúm còn gọi là bệnh nhiễm trùng do hàng trăm loại siêu vi gây ra. Những bệnh nhi đến khám tại khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) được chẩn đoán mắc cúm thường có một vài biểu hiện mệt mỏi, khó chịu trong vài ngày đầu khởi bệnh. Một số bé có biểu hiện của viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện 1-3 ngày sau nhiễm vi-rút với biểu hiện như:
- Bé bị nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, nóng sốt, đau họng và ho, kèm theo buồn nôn, kéo dài khoảng 2 tuần...
- Bệnh cúm lây truyền qua đường hô hấp nên khả năng lây lan rất nhanh, mạnh và khó kiểm soát, đặc biệt là tại các môi trường sinh hoạt tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học...
Để phòng bệnh cảm cúm, bác sĩ Hiền khuyên cha mẹ nên đưa những các bé đi tiêm phòng vắc-xin ngừa cúm (đối với các bé trong độ tuổi từ 6 -9 tháng), cho bé ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng... để bé có sức khỏe phòng bệnh.
Minh Linh