Mề đay
Ở một số bé, khi gặp thời tiết lạnh, nhất là đang đi ngoài đường, gặp cơn gió lạnh thì bắt đầu nổi lên ít nhiều những sẩn hoặc mảng sưng, phù đỏ ở một hoặc nhiều vùng, thường gặp nhất là vùng da hở như mặt, tay, chân; nặng hơn thì phát khắp toàn thân, kèm theo triệu chứng ngứa dữ dội. Mề đay sẽ phát triển nhiều hơn khi từ môi trường có gió lạnh trở vào trong phòng ấm áp hơn, lúc này có thể sẽ ngứa ngáy nhiều hơn. Cơn mề đay thường kéo dài vài phút đến vài giờ khi ngừng tiếp xúc với lạnh và có thể tái phát nhiều cơn trong ngày. Do đó, mẹ hãy nhớ cho bé mặc quần áo ấm đầy đủ, và tốt nhất là tránh cho bé phải đi ra ngoài lúc trời lạnh.
Ngứa
Ngứa do lạnh hay còn gọi là chàm khô. Bệnh thường gặp do trời lạnh và độ ẩm ở trong phòng gia tăng, làm da bị giảm tiết mồ hôi và chất bã, chất sừng của da bị mất nước, da trở nên khô hơn, đóng ít vẩy và da bị nứt, kèm theo triệu chứng ngứa từ lâm râm đến dữ dội, làm cho da bị trầy xước, thậm chí còn gây ra những chấm xuất huyết dưới da.
Khi bé có triệu chứng của chàm khô, cha mẹ cần lưu ý: tránh cho bé tắm với xà bông thơm; nên tắm với nước ấm và không kéo dài quá 15 phút; dùng loại sữa hoặc xà bông tắm có chất làm ẩm da và không có chất làm thơm; bôi kem làm ẩm da cho bé ngay sau khi tắm và trước khi đi ngủ; mặc quần áo ấm ngay sau khi bôi kem hoặc sau khi tắm. Ngoài ra, cần đưa trẻ đến bác sĩ để có toa thuốc chống dị ứng phù hợp.
Khô môi
Nguyên nhân hây khô môi là do môi bị mất chất dầu tự nhiên, dấn đến khô, nứt, đau, đóng vảy có khi rướm máu, khó chịu. Nếu bé bị khô môi, cha mẹ nên cho bé tránh gió lạnh, ánh nắng. Bé cũng cần được uống đủ nước theo nhu cầu (khoảng từ 1-2 lít/ngày), cũng có thể cho bé bổ sung thêm vitamin tổng hợp.
Để giữ cho môi không bị đau rát, cha mẹ hãy đắp khăn ướt lên môi bé hoặc thoa kem giữ ẩm 1-2giờ/lần cho bé. Lưu ý nhắc bé không nên liếm môi và ăn thêm trái cây có chứa chất carotene như cà rốt, cà chua, rau xanh…
Viêm da cơ địa
Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bé dưới 2 tuổi hoặc lớn dễ mắc bệnh viêm da cơ địa, nhất là bé được sinh ra trong các gia đình có cơ địa dễ dị ứng. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng lên sự phát bệnh: thay đổi thời tiết, đặc biệt là trời lạnh, lạm dụng xà phòng, bột giặt, chất tẩy rửa, dị ứng một số thức ăn như tôm, cua, cá biển, đồ lên men...
Khi bị viêm da cơ địa, da bé hay bị khô, sờ vào thô ráp chứ không mịn màng. Khởi đầu, hai má bị đỏ ửng, sau đó, các mụn nước li ti xuất hiện mọc thành đám trên nền da đỏ, có khi hết cả hai má, trán và cằm, có thể ướt nếu tiết dịch nhiều hoặc sần sùi nếu sẩn nhiều, đôi khi lan xuống cả da thân thể và tay chân. Tổn thương da có thể khỏi từng đợt rồi tái đi tái lại nhiều lần.
Đến khi 2 tuổi, 90% bé sẽ khỏi hoàn toàn, 10% còn lại bệnh có thể kéo dài dai dẳng nhiều năm với các biểu hiện như: mề đay, chàm nếp gấp, chàm mạn, bong da nứt nẻ lòng bàn tay, bàn chân, tổ đỉa... Ở các bé này, cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để đuợc tư vấn loại thuốc chống dị ứng khi bị ngứa nhiều. Hằng ngày, nên cho bé tắm sữa tắm dành riêng cho bé, không cho bé tắm nước nóng quá, không được chà mạnh khi tắm và phải tắm nhanh, không ngâm nước lâu quá. Rửa mặt ngày 2-3 lần, nhẹ nhàng.
Trong vấn đề ăn uống, lưu ý chỉ cho bé kiêng những thức ăn biết rõ gây dị ứng cho bé. Tuy nhiên, cha mẹ nên cho bé ăn với lượng thích hợp, không nên ăn số lượng nhiều quá trong một ngày. Cần cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều quả tươi, rau xanh...
BS Huỳnh Huy Hoàng
BV Da Liễu TP.HCM