Tiêu chảy cấp tính
Là những trường hợp tiêu chảy kéo dài không quá 2 tuần. Hầu hết bé đi tiêu lỏng phân toàn nước, kèm nôn ói và sốt nhẹ. Ngoài ra, một số ít bé có thể mắc hội chứng lỵ, có thể kèm sốt, đau bụng và mót rặn (mắc đi tiêu liên tục nhưng mỗi lần chỉ đi một ít). Nguyên nhân đa số là do vi-rút (trong đó nổi bật là rotavirus), vi trùng, ký sinh trùng, dị ứng thức ăn, hoặc không rõ nguyên nhân.
Cách phòng ngừa: Giúp bé giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn chín uống sôi vẫn là các biện pháp phòng ngừa chính. Cha mẹ và thầy cô nên thường xuyên nhắc nhở bé rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Những bé có triệu chứng tiêu chảy cấp cần được thăm khám kỹ lưỡng và cách ly khi cần thiết. Riêng rotavirus hiện đã có vắc-xin phòng ngừa, do vậy, cha mẹ nên chú ý cho bé uống ngừa ngay từ lúc nhỏ để có thể bảo vệ cho bé từ rất sớm.
Ngộ độc thức ăn
Triệu chứng xảy ra một thời gian ngắn sau ăn (vài phút hoặc vài giờ), bé đột ngột cảm thấy khó chịu, buồn nôn, nôn ói dữ dội, mệt mỏi, có thể kèm sốt và tiêu chảy. Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn thường gặp là do vi trùng nhiễm vào trong thức ăn vốn được bảo quản không tốt, quá hạn sử dụng hoặc từ bàn tay người chuẩn bị thực phẩm bị nhiễm trùng. Ngoài ra, độc chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật, nấm độc,… cũng có thể là nguyên nhân.
Cách phòng ngừa: Cha mẹ nên cho bé ăn sáng tại nhà rồi đi học hoặc ăn thức ăn đã được chuẩn bị đúng quy cách của nhà ăn trường học. Tuyệt đối không cho bé ăn thức ăn từ các hàng quán trước cổng trường, vừa không rõ nguồn gốc, vừa không vệ sinh.
Táo bón
Với những bé ở độ tuổi đến trường, 90% - 95% các trường hợp táo bón không tìm được tổn thương thực thể, còn được gọi là táo bón chức năng. Những trường hợp này có thể do chế độ ăn không phù hợp, thiếu chất xơ, uống nước không đủ, ít vận động,… Ngoài ra, yếu tố tâm lý như lạ chỗ, nhà vệ sinh không giống như ở nhà hoặc trường học cũ, tâm lý ngại xin thầy cô đi nhà vệ sinh cũng là những yếu tố góp phần làm cho táo bón thường xảy ra ở giai đoạn này.
Cách phòng ngừa: Cha mẹ nên khuyến khích bé uống nhiều nước, không ngại xin phép giáo viên ra ngoài để đi vệ sinh, vận động trong giờ chơi; cung cấp cho bé chế độ ăn đủ chất xơ cũng rất quan trọng. Chất xơ, theo suy nghĩ thông thường là có nhiều trong rau, nhưng thực chất chất xơ tồn tại nhiều hơn trong các loại trái cây như bơ, lê, cam, nho đỏ, chuối, đu đủ, xoài,… Vì vậy, tập cho bé ăn rau, trái cây, sữa chua hằng ngày… sẽ giúp phòng ngừa táo bón hiệu quả.
TS. BS Nguyễn Anh Tuấn
Bộ môn Nhi, ĐH Y Dược TP.HCM
Thư ký Chi hội Tiêu hóa Nhi Việt Nam